Tại hội thảo “Quy định, điều kiện và giải pháp phát triển phương thức công nghệ thông tin (e-Learing) trong giáo dục đại học Việt Nam” do Trường Đại học Mở TP HCM tổ chức sáng 16-10, báo cáo thuộc Đề án “Nghiên cứu về phương thức học tập, đào tạo dựa trên e-learning trong giáo dục đại học và đào tạo trực tuyến mở dành cho đại chúng MOOCS (Massive Open Online Courses): Kinh nghiệm thế giới và ứng dụng tại Việt Nam” (thuộc Chương trình Khoa học – Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016 – 2020) do trường chủ trì chỉ ra rằng phương thức học tập, đào tạo dựa trên e-learning đã phát triển nhanh chóng trên thế giới trong hơn 4 thập kỷ qua, mang lại nhiều thay đổi lớn cho giáo dục đại học.
Tại Việt Nam, nhiều trường đại học bắt đầu quan tâm và đầu tư vào phát triển phương thức này với những mức độ khác nhau. Để phát triển phương thức e-learning, đề án đã đưa ra các đề xuất về chính sách, quy định và giải pháp.
Cụ thể, nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển e-learning trong giáo dục đại học bao gồm mục tiêu, mô hình e-learning, đồng thời có các giải pháp tạo lập khung pháp lý, cơ chế bảo đảm chất lượng, các chương trình và dự án hỗ trợ. Về phía các cơ sở giáo dục đại học, cần đổi mới công tác quản lý và việc giảng dạy và học tập để đưa e-learning trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số tại các trường đại học.
Đề án cũng xây dựng các mô hình áp dụng cụ thể của e-learning, bao gồm phương thức trực tuyến, phương thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp và ứng dụng MOOCs.