Tiếng Anh là một ngôn ngữ quan trọng trong chương trình THCS nói riêng và trong toàn bộ các cấp học giáo dục Việt Nam. Học tiếng Anh có 4 kỹ năng chính là: Nghe – nói – đọc – viết, trong đó kỹ năng nghe là kỹ năng vô cùng quan trọng và cũng là một kỹ năng khó. Để phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh cho học sinh, giáo viên phải có phương pháp dạy kỹ năng nghe cho học sinh THCS hiệu quả.
Tại sao cần phát triển kỹ năng nghe tiếng Anh cho học sinh THCS?
Tiếng Anh là môn học bắt buộc tại chương trình THCS và đây cũng là ngoại ngữ chính được giảng dạy tại Việt Nam. Để phát triển kỹ năng tiếng Anh cho học sinh giáo viên dạy tiếng Anh cần áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Một trong những kỹ năng quan trọng trong dạy và học tiếng Anh là kỹ năng nghe.
Kỹ năng nghe là một kỹ năng quan trọng mà bất kỳ người học ngoại ngữ nào cũng cần phải có. Kỹ năng nghe cần được cải thiện, phát triển vì:
Nghe là điều kiện tiên quyết để có thể nói được
Chúng ta không thể trò chuyện với người khác khi không hiểu đối phương đang nói gì. Lắng nghe là bước đầu tiên để bước vào cuộc trò chuyện. Từ việc lắng nghe, con người nắm bắt được thông tin nội dung mà người nói muốn truyền đạt, từ đó hiểu vấn đề và trả lời đối phương thông tin đúng nội dung của cuộc trò chuyện.
Nếu bắt đầu bằng việc nói trước, người học sẽ cảm thấy khó khăn
Cảm giác áp lực sẽ đến khi bạn liên tục phải nói và nói dù bạn chưa biết gì nhiều về ngôn ngữ xa lạ này. Chính vì bắt đầu bằng nói, người học sẽ sớm nản lòng và bỏ cuộc. Thay vào đó chúng ta hãy tập chung vào nghe trước để làm quen với nhịp điệu, phong cách của ngoại ngữ mục tiêu. Nghe giúp người học xây dựng các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản để khi bắt đầu nói không cảm thấy bỡ ngỡ.
Nghe là tiền đề phát triển những kỹ năng khác
Hoạt động nghe không chỉ cải thiện kỹ năng nghe của bạn, kỹ năng nghe còn giúp bạn phát triển những kỹ năng khác. Một điều không thể phủ nhận là nghe tốt sẽ giúp bạn hiểu ý nhanh chóng, thúc đẩy kỹ năng đọc, nói và viết phát triển. Điều này có nghĩa là khi kỹ năng nghe của bạn tốt thì các kỹ năng khác của bạn càng được cải thiện.
3 cách cải thiện kỹ năng nghe và sự tự tin cho học sinh
Dưới đây Trường học 247 chỉ ra 3 cách để cải thiện kỹ năng nghe và sự tự tin:
Hạn chế sử dụng bản dịch
Sử dụng bản dịch sẵn là một điều cần hạn chế vì khi dùng bản dịch, học sinh sẽ được “ăn sẵn” ngay lập tức hiểu văn bản nhưng học sinh sẽ không đọng lại gì về từ ngữ, từ mới. Bên cạnh đó công cụ dịch thuật không đảm bảo được độ chính xác 100%, đôi khi bản dịch quá tối nghĩa, mang lại những ý tưởng sai lệch về nghĩa.
Tránh nhầm lẫn kỹ năng nghe với kỹ năng đọc và viết
Khi cho học sinh nghe podcast, video, bài hát, câu chuyện,… bằng ngoại ngữ, đừng quá tập trung vào việc nói theo hay tìm nghĩa của từng từ mà hãy yêu cầu học sinh tập trung tuyệt đối vào việc lắng nghe.
Sử dụng video trong giảng dạy
Khi sử dụng video trong việc dạy kỹ năng nghe, học sinh có thể tiếp thu và mang lại hiệu quả tích cực hơn. Nghe kết hợp với đọc ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm của nhân vật trong video sẽ giúp học sinh hiểu được đại ý thông qua ngữ cảnh dù học sinh chưa được học về những từ vựng xuất hiện trong video.
Phương pháp dạy kỹ năng nghe tiếng Anh THCS
Có nhiều phương pháp dạy kỹ năng nghe tiếng Anh THCS và những phương pháp giảng dạy được ra đời, đổi mới liên tục sao cho phù hợp với học sinh.
Nghe trước một hoạt động
Hướng dẫn học sinh dự đoán
Trong cuộc trò chuyện thông thường, những gì mà chúng ta nghe được có xu hướng khớp với những gì mà chúng ta mong muốn được nghe và chúng ta lắng nghe những chi tiết cụ thể. Điều này cho thấy rằng khi đối phương nói những điều nằm ngoài mong muốn hay nằm ngoài suy nghĩ của chúng ta, chúng ta thường bất ngờ và hỏi lại “Cái gì cơ, cái gì vậy?” như thể chúng ta không nghe được lời nói của đối phương. Khi lắng nghe câu chuyện của những người thân quen, dựa vào phong cách kể chuyện của họ chúng ta có thể dự đoán họ muốn nói điều gì. Vì vậy trước khi nghe văn bản, giáo viên có thể:
Cho học sinh biết tên của tác phẩm và yêu cầu học sinh đoán nội dung của tác phẩm đó. “Tác phẩm đó nói về điều gì?”, “nội dung kể về cái gì?”, “tình huống nào sẽ phát sinh?” là những điều mà học sinh hoàn toàn có thể đoán trước. Đôi khi tiêu đề được thiết kế phức tạp và có thể bị hiểu nhầm lúc đầu nhằm khơi gợi sự tò mò.
Cho học sinh biết tên các nhân vật có liên quan và để các em dự đoán, đoán xem họ là ai và trông như thế nào? Khi học sinh nhập tâm vào câu chuyện, các em có thể sẽ đồng cảm với nhân vật, vì vậy hãy để các em thích thú suy đoán về các nhân vật đó và khám phá thêm.
Đặt một câu hỏi để khiến học sinh suy nghĩ về chủ đề của văn bản hoặc nội dung nào đó trong đó. Ví dụ: Nếu liên quan đến đồ ăn, bạn có thể hỏi họ, “Món ăn yêu thích của bạn là gì?”. Từ việc đặt câu hỏi như này, học sinh sẽ suy nghĩ về chủ đề liên quan đến bài học một cách thoải mái.
Chuẩn bị từ vựng
Khi bạn chọn một nội dung nào đó để học sinh nghe, bạn cần xem xét sự phù hợp của nội dung với độ tuổi và trình độ của học sinh. Điều này có thể dựa vào số lượng từ mới trong văn bản – nội dung của bài nghe.
Đảm bảo rằng bạn đã xem hoặc nghe kỹ (không bao giờ sử dụng nội dung mà bạn chưa kiểm tra kỹ lưỡng) và ghi lại những từ hoặc cách diễn đạt mà học sinh có thể thấy khó khăn. Vì nếu có quá nhiều từ mới học sinh sẽ rất khó để nghe hiểu trừ khi ý nghĩa của từ đó thực sự rõ ràng qua hình ảnh thể hiện.
Lập danh sách các từ trong phim hoặc câu chuyện, đặc biệt là những từ mới then chốt của câu chuyện. Bạn không cần phải dạy học sinh tất cả các từ mới ngay lần đầu tiên, chỉ cần chọn một số từ quan trọng cần thiết và dạy trước khi bắt đầu bài nghe.
Một lưu ý rằng khi bạn giới thiệu từ mới, bạn chỉ dịch nếu cảm thấy thực sự cần thiết. Nếu có thể hãy kết nối các từ ngữ với hình ảnh, hành động và các từ tiếng Anh khác liên quan.
Trong hoạt động nghe
Trong khi học sinh đang quan sát, lắng nghe, đôi khi rất khó để biết liệu các em vẫn đang thực sự chú ý hay chỉ đang thư giãn. Vì vậy, bạn nên giao cho học sinh nhiệm vụ cần hoàn thiện sau khi nghe xong, ví dụ như: Nghe và nhắc lại các sự kiện diễn ra, sắp xếp các sự việc xảy ra theo trình tự thời gian,..
Sau hoạt động nghe
Ngay sau khi xem video hoặc nghe câu chuyện lần đầu tiên là thời điểm vô cùng quan trọng. Lúc này giáo viên cần:
- Hãy trấn an học sinh nếu các em cảm thấy choáng ngợp vì tốc độ và thấy chưa kịp hiểu những gì trong video.
- Giúp học sinh hiểu được những gì các em vừa thấy và nghe.
- Hãy giúp học sinh tiếp tục học hỏi những gì các em vừa tiếp thu được.
Dưới đây là một số cách hướng dẫn học sinh sau hoạt động nghe:
- Tham khảo lại từ vựng và trình tự trước khi nghe: Thảo luận về trình tự xuất hiện của các từ mới để tạo không khí vui vẻ.
- Chú ý đến các cụm từ: Thu hút sự chú ý của học sinh đến ngữ cảnh của từ vựng mới tiếp thu và hỏi xem các em có nhận thấy bất kỳ từ quen thuộc hoặc không quen thuộc nào có xu hướng kết hợp với nhau không.
Hoạt động luyện tập và củng cố sau này
Tùy thuộc vào cách sắp xếp lớp học, thời lượng bài học, độ tuổi của học sinh và thời lượng video hoặc câu chuyện, giáo viên có thể cho học sinh nghe lại ngay lập tức để củng cố tất cả kiến thức học sinh vừa học gần đây. Nếu điều đó mất nhiều thời gian thì hãy đảm bảo rằng sau đó bạn dành thời gian để nghe lại nhiều hơn một lần! Hoạt động luyện tập và củng cố sau này là hoạt động quan trọng để phương pháp dạy kỹ năng nghe tiếng anh thcs có hiệu quả.
- Lắng nghe từ mới và cách diễn đạt cụ thể trong ngữ cảnh mới: Khả năng nghe sẽ được cải thiện tốt hơn khi học sinh có thể bắt đầu sử dụng từ vựng mới trong những tình huống mới. Nếu có thể hãy để học sinh nghe nội dung khác có sử dụng một số cách diễn đạt mới.
- Nghe những cách diễn đạt mới: Bạn hãy sử dụng những cách diễn đạt mới về từ vựng đã học để cho học sinh lắng nghe tìm thấy sự khác biệt.
- Cung cấp các bài tập nghe tại nhà cho học sinh: Nếu học sinh chỉ học tiếng Anh trong giờ học thì sẽ mất rất nhiều thời gian để học tốt vì các em cần học cách suy nghĩ bằng tiếng Anh. Ngày nay không khó để cung cấp cho học sinh một video hoặc podcast nghe lại ở nhà, củng cố việc luyện tập nghe của học sinh.
Các hoạt động bổ sung sau nghe
Đọc chính tả
Giáo viên có thể đọc các trích dẫn từ video hoặc câu chuyện mà học sinh đã xem, sau đó học sinh có trách nhiệm viết ra những từ đó. Điều này giúp gắn kết kỹ năng đọc viết với khả năng nghe của các em cũng như củng cố những gì các em đã học được qua việc xem video.
Chơi trò chơi Flashcard
Học sinh có thể có một bộ thẻ nhỏ của riêng mình và giơ thẻ thích hợp lên khi nghe thấy từ đó trong khi nghe nội dung video hoặc các cặp từ có thể được đặt trên bảng để học sinh tìm từ đúng khi được nghe.
Xem thêm: Bật mí 16+ cách học giỏi tiếng Anh đơn giản, hữu ích
Trường học 247 gửi đến bạn đọc phương pháp dạy kỹ năng nghe tiếng Anh THCS bổ ích, hiệu quả để giáo viên tiếng Anh có thể áp dụng ngay vào công việc giảng dạy. Hy vọng kiến thức chúng tôi cung cấp sẽ hữu ích cho bạn đọc. Chúc bạn đọc vận dụng thành công vào công việc giảng dạy của mình!