Tăng tốc chuyển đổi số ngành Giáo dục

GD&TĐ – Năm học 2024 – 2025, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Giáo dục các địa phương tập trung thực hiện.

Học sinh tiểu học TP Cần Thơ giao lưu sáng tạo, lập trình robot. Ảnh: Q. Ngữ
Học sinh tiểu học TP Cần Thơ giao lưu sáng tạo, lập trình robot. Ảnh: Q. Ngữ

 

Ưu tiên chuyển đổi số dạy, học

Số hóa điểm danh học sinh đang được các trường học ở tỉnh Đồng Tháp triển khai và nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, giáo viên. Tại Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp), mô hình “Điểm danh học sinh bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt” được triển khai hơn 1 năm qua. Thầy Trần Thạnh Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng cho biết, trước đây công tác quản lý điểm danh được giáo viên thực hiện thủ công, khi đến cuối năm phải tổng kết sổ sách để ghi nhận kết quả của các em.

Việc này vừa tốn nhiều thời gian, công sức của giáo viên và cả học sinh, nhưng hiệu quả thì không cao. Từ những khó khăn này, nhà trường đã quyết tâm thực hiện mô hình này sau nhiều lần thử nghiệm. Mô hình được đưa vào dùng thử nghiệm trước, đến đầu năm học 2023 – 2024 thì được đưa vào sử dụng chính thức.

Theo thầy Trần Thạnh Hưng, mô hình “Điểm danh học sinh bằng thiết bị nhận diện khuôn mặt” được thực hiện dựa trên sự đối chiếu từ máy chủ với khuôn mặt của học sinh. Hệ thống sẽ truy cập vị trí, hình ảnh người dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hệ thống sẽ đối chiếu với vị trí khuôn viên của trường và hình ảnh học sinh đã đăng ký trên máy chủ trước đó.

Nếu hình ảnh không trùng khớp và vị trí ngoài khuôn viên trường thì hệ thống sẽ không nhận diện. Sau khi học sinh điểm danh, thông tin sẽ được thông báo đến máy chủ và truyền về cho phụ huynh một cách nhanh chóng. Điều này giúp nhà trường dễ dàng quản lý học sinh, cũng như đảm bảo cho phụ huynh nắm bắt thông tin kịp thời và an tâm hơn…

Chuyển đổi số không chỉ ở phạm vi nhà trường, ở công tác quản lý, mà còn được triển khai sâu rộng đến mỗi giáo viên, nhân viên trường học. Nhờ chuyển đổi số, các trường xây dựng và giảng dạy bằng giáo án điện tử, quản lý bằng học bạ điện tử và thu học phí, bảo hiểm theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thay vì soạn giáo án thủ công, giáo viên sử dụng giáo án điện tử ký số. Các kế hoạch, văn bản điều hành, chỉ đạo của ban giám hiệu đều sử dụng bằng văn bản mềm không dùng văn bản giấy. Chuyển đổi số đã rút ngắn thời gian soạn giáo án, chuẩn bị đồ dùng dạy học, đồng thời giờ học cũng sinh động, hấp dẫn hơn, học sinh dễ tiếp thu hơn…

Chia sẻ về chuyển đổi số trong công tác chuyên môn, cô Lê Thị Thúy Uyển, Trường THCS Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: Dạy học trên nền tảng công nghệ đã trở thành công cụ hỗ trợ rất quan trọng với giáo viên.

Có phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ, giáo viên có thể khai thác rất nhiều kiến thức, tư liệu, hình ảnh minh họa đưa vào bài giảng cho nội dung của tiết học thêm sinh động, học sinh hứng thú hơn với bài giảng. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin rất tiện ích, hỗ trợ giáo viên soạn bài, giảng bài trên lớp thuận lợi hơn, học sinh rất hứng thú, tương tác nhiều hơn…

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Huỳnh Thanh Lộc, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết, hiện có 100% giáo viên, nhân viên ở thành phố có khả năng sử dụng các phần mềm phục vụ giảng dạy, quản lý, đánh giá học sinh.

Tất cả các cơ sở giáo dục có ít nhất 1 đường truyền Internet băng thông rộng, đa số được trang bị từ 2 đường truyền Internet trở lên. Sở GD&ĐT đã xây dựng được Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của ngành Giáo dục. Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục sử dụng thanh toán điện tử.

Học sinh Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) điểm danh bằng hệ thống nhận diện khuôn mặt. Ảnh: P. Thành
Học sinh Trường THCS Kim Hồng (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) điểm danh bằng hệ thống nhận diện khuôn mặt. Ảnh: P. Thành

Hoàn thiện dữ liệu ngành Giáo dục

Tháng 11/2023, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phối hợp với VNPT Cần Thơ ra mắt Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Khi đó, mô hình trung tâm này lần đầu tiên được áp dụng tại một địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm cung cấp các chức năng cần thiết để giúp lãnh đạo các cấp điều hành công tác, chỉ đạo kịp thời, gồm: Các thống kê báo cáo giúp truy xuất dữ liệu lớn trên cả thành phố trong thời gian ngắn; công cụ hỗ trợ đồng bộ dữ liệu từ các hệ thống quản lý trường học lên IOC và từ IOC lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, trung tâm còn phát triển thêm các tiện ích khác như: Lịch công tác, quản lý thông tin điều hành…

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết thêm: Thông qua Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, lãnh đạo có thể theo dõi trực tiếp qua thiết bị di động bằng ứng dụng “VNEDU Teacher”, giúp theo dõi các số liệu báo cáo định kỳ của các chỉ tiêu một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.

Việc xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh của thành phố là quá trình dài hạn và được gắn liền với quá trình chuyển đổi số. Trong đó, các giải pháp công nghệ kết hợp nhịp nhàng với các sáng kiến về mô hình quản trị vận hành thông minh và sự tham gia tích cực của các cấp, đơn vị, phòng ban, từng bước chuyển hóa ngành Giáo dục dần hiện đại hơn, văn minh hơn trên địa bàn TP Cần Thơ.

Tại Bạc Liêu, thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, có 4/7 phòng GD&ĐT đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành Giáo dục VNEDU IOC. Các trung tâm này đã cung cấp bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục trên địa bàn thông qua các biểu đồ, chỉ số đo lường hiệu quả công việc được tổng hợp dữ liệu thường xuyên. Các thông tin này góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và gợi ý chỉ đạo điều hành, tối ưu hoạt động của hệ thống giáo dục từ thủ công sang giáo dục số…

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, từ năm 2020 đến nay, bên cạnh việc chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ, ngành Giáo dục tỉnh còn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025.

Từ đây, toàn bộ 193 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý trường. Các đơn vị, trường học khai thác có hiệu quả các thiết bị về công nghệ thông tin, hệ thống mạng Internet, hệ thống các trang tin điện tử. Các loại giáo án, hồ sơ, biểu mẫu thống kê, cập nhật thông tin về học sinh, đội ngũ trên cơ sở dữ liệu ngành… cũng được điện tử hóa.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/tang-toc-chuyen-doi-so-nganh-giao-duc-post700702.html

Đánh giá
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
DMCA.com Protection Status
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học thử