Dạy học theo trạm là một hình thức dạy học mở rất phù hợp với cả những buổi học nội khoá và ngoại khoá. Đây là hình thức dạy học đầy tiềm năng và cần được mở rộng. Trong bài viết này, Trường học 247 sẻ cùng bạn tìm hiểu một số thông tin về hình thức dạy học theo trạm này nhé!
1. Dạy học theo trạm là gì?
Dạy học theo trạm là cách dạy học tập trung vào khả năng làm việc độc lập của đội nhóm. Lớp học được chia thành nhiều trạm, sắp xếp ở các vị trí khác nhau trong lớp, mỗi trạm sẽ có một nhiệm vụ cụ thể, độc lập các trạm khác. Học sinh sau khi thực hiện xong nhiệm vụ ở mỗi trạm, sẽ luân phiên di chuyển đến các trạm tiếp theo để thực hiện nhiệm vụ khác. Khi hoàn thành nhiệm vụ sớm có thể đến các trạm chờ. Cứ như thế cho đến khi thực hiện xong nhiệm vụ ở tất cả các trạm thì sẽ lên thuyết trình, báo cáo.
Nội dung các nhiệm vụ sẽ không còn giới hạn trong nội dung sách vở hay trong lớp học mà còn có thể mở rộng ra nhiều khía cạnh đời sống và nhiều khu vực trong sân trường.
2. Vì sao nên áp dụng dạy học theo trạm
Dạy học theo trạm là một hình thức dạy học tuyệt vời cho phép giáo viên đánh giá các kỹ năng của học sinh. Trong khi học sinh luân phiên đến các trạm khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ học tập, giáo viên có thể quan sát, đánh giá kỹ năng của học sinh tại một trong các trạm để dễ quản lý hơn nhiều so với việc cố gắng đánh giá toàn bộ lớp học cùng một lúc.
Khi tham gia hình thức học theo trạm sẽ giúp học sinh thay đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận kiến thức sang chủ động hơn, hứng thú với bài học hơn. Ngoài ra, hình thức dạy học này còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, kỹ năng tư duy, kỹ năng đánh giá bản thân, đánh giá đội nhóm,…
Ngoài ra, khi áp dụng dạy học theo trạm, giáo viên sẽ cá biệt hóa được trình độ của từng học sinh. Từ đó dễ dàng bồi dưỡng học sinh giỏi và rèn luyện học sinh yếu.
Xem thêm: Dạy học hợp tác được hiểu là gì? Áp dụng dạy học hợp tác vào kỹ thuật giảng dạy
3. Phân loại hệ thống trạm học tập
Trong dạy học theo trạm có nhiều cách phân loại hệ thống trạm học tập. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến nhất mà các thầy cô có thể tham khảo:
3.1. Phân loại theo vị trí các trạm.
Hệ thống trạm học tập khi phân loại theo vị trí các trạm có 2 loại như sau:
- Trạm đệm: là trạm đóng vai trò hỗ trợ làm việc cho một trạm chính. Trạm đệm thường được sắp xếp ngay bên cạnh trạm chính. Mỗi học sinh có thể thực hiện nhiệm vụ ở trạm đệm trước, sau đó thực hiện nhiệm vụ ở trạm chính.
- Trạm giám sát – dịch vụ: đây là trạm ở vị trí trung tâm của vòng tròn học tập nhằm cung cấp thông tin, giải đáp vấn đề cho các trạm khác, cung cấp đáp án cho các trạm để so sánh kết quả sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở các trạm.
3.2. Phân loại theo mức độ yêu cầu nhiệm vụ.
Khi phân loại theo mức độ yêu cầu nhiệm vụ ta có thể chia làm 2 loại là trạm tự chọn và trạm bắt buộc:
- Trạm tự chọn: đây là những trạm mà ở đó học sinh có thể tự do lựa chọn nhiệm vụ theo các trình độ, hình thức, học cá nhân hay theo nhóm. Là những trạm có nội dung mở rộng, nội dung vui để tạo hứng thú, thu hút sự tập trung của học sinh. Các trạm này học sinh có thể thực hiện hay bỏ qua cũng được, tuy nhiên cần giáo viên cần có sự thống nhất trước với học sinh về số lượng trạm phải hoàn thành tùy theo từng chủ đề bài học.
- Trạm bắt buộc: đây là trạm có các nội dung kiến thức, bắt buộc, trọng tâm của bài học. Trạm bắt buộc sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết của bài học cho học sinh.
3.3. Phân loại các trạm theo phương tiện dạy học.
Phân loại theo phương tiện dạy học thì dạy học theo trạm cũng có 2 loại trạm là trạm sử dụng máy tính hiện đại và trạm sử dụng những thí nghiệm truyền thống:
- Trạm có sử dụng máy tính: loại trạm này sử dụng máy tính hiện đại để hỗ trợ quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, xem tranh, ảnh, video, tạo các thí nghiệm ảo,…
- Trạm thí nghiệm truyền thống: Đó là các trạm có sử dụng thí nghiệm thật, thực tế, thử nghiệm, kiểm chứng các giả thuyết.
3.4. Phân loại theo vai trò của các trạm.
Vai trò của các trạm cũng là một trong các yếu tố phân loại trạm học tập. Theo đó, có 2 loại trạm là trạm luyện tập và trạm xây dựng kiến thức mới:
- Trạm luyện tập: đây là trạm có các nhiệm vụ dạng các bài tập trắc nghiệm hoặc câu hỏi lựa chọn đòi hỏi người học vận dụng kiến thức đã được học để trả lời, không cần tư duy, suy luận quá nhiều.
- Trạm xây dựng kiến thức mới: đây là trạm học tập khá khó khi xây dựng vì hình thức dạy học theo trạm không hỗ trợ quá nhiều cho việc dạy học sinh những kiến thức mời.
3.5. Phân loại theo hình thức làm việc.
Khi phân loại theo hình thức làm việc thì có 2 loại trạm là trạm làm việc cá nhân và trạm làm việc nhóm:
- Trạm làm việc cá nhân: với trạm học tập này, học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập một cách độc lập, chủ động không phụ thuộc và ảnh hưởng bởi những bạn khác.
- Trạm làm việc nhóm: đây là trạm khá phổ biến khi thực hiện dạy học theo trạm, tuy nhiên để đảm bảo chất lượng dạy học và giúp giáo viên dễ quản lý, kiểm soát lớp hơn thì các nhóm thường không quá đông, dao động từ 4 – 6 bạn một nhóm.
4. Ưu, nhược điểm của hình thức dạy học theo trạm
Bất kỳ một phương pháp dạy học nào cũng có ưu điểm và những hạn chế. Hãy cùng tìm hiểu ưu và nhược điểm của hình thức dạy học theo trạm ngay sau đây nhé!
4.1. Ưu điểm của hình thức dạy học theo trạm
- Tạo ra môi trường cho học sinh được chủ động, tích cực tham gia hoạt động học tập, tham gia giải quyết các nhiệm vụ học tập.
- Nâng cao khả năng tự đánh giá bản thân và đội nhóm thông qua các hoạt động tự kiểm tra, đánh giá kết quả của cá nhân và của nhóm mình.
- Là cơ hội tuyệt vời để học sinh nâng cao kỹ năng làm việc theo nhóm, phát triển các kỹ năng tranh luận, các phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực thực nghiệm.
- Giúp giáo viên đánh giá, phân loại được trình độ của từng học sinh, qua đó bồi dưỡng học sinh giỏi và rèn luyện học sinh yếu.
- Kích thích sự hứng thú học tập, tìm hiểu của học sinh thông qua các nhiệm vụ học tập tích cực đặc biệt là những nhiệm vụ thiết kế, chế tạo, sáng tạo và thực hiện các thí nghiệm đơn giản.
- Khắc phục được khó khăn thiếu thốn về trang thiết bị nếu cho học sinh tiến hành thực hiện hoạt động cùng lúc.
4.2. Nhược điểm của hình thức dạy học theo trạm
- Giáo viên cần nhiều thời gian chuẩn bị nội dung hơn và đồ dùng, nguyên vật liệu dạy học cũng cần cầu kỳ, công phu hơn. Ví dụ như giáo viên cần chuẩn bị sẵn các bảng biểu của từng trạm, các hộp để đựng các gói câu hỏi, các bảng đáp án và các “ phiếu thông hành” để khi học sinh đã hoàn thành từng trạm thì nhanh chóng tiến đến các trạm tiếp theo.
- Thời gian thực hiện dạy theo hình thức hành sẽ dài hơn thời gian khi dạy dưới hình thức truyền thống.
- Phương pháp học theo trạm phù hợp cho các dạng bài ôn tập, luyện tập kiến thức đã học chứ không thích hợp cho dạng truyền đạt kiến thức mới.
- Hình thức học theo trạm sẽ gặp nhiều khó khăn nếu lớp học có sĩ số quá đông, điều này sẽ gây hạn chế rất lớn trong quá trình học. Vì hình thức học theo trạm đòi hỏi học sinh phải di chuyển liên tục.
- Nhiều giáo viên theo phong cách giảng dạy truyền thống lâu năm sẽ thấy bỡ ngỡ, khó khăn, không mạnh dạn khi thực hiện hình thức dạy học theo trạm có nhiều phần mới mẻ này.
- Tài liệu thiết kế dạy học theo trạm còn mới mẻ, hạn chế, buộc giáo viên phải tự mày mò, đầu tư suy nghĩ và soạn thảo.
Xem thêm: Phương pháp dạy học theo chủ đề là gì? Lợi ích của phương pháp dạy học theo chủ đề
5. Các bước dạy học theo trạm
Dưới đây là các bước dạy học theo trạm các thầy cô có thể tham khảo:
Bước 1: Chọn nội dung hệ thống trạm học tập
Việc đầu tiên để dạy học theo trạm học tập là giáo viên cần chọn được được nội dung hay chủ đề của bài học. Từ chủ đề chính của hệ thống trạm học tập, cần xây dựng lên nội dung chi tiết của từng trạm học tập sao cho các kiến thức trạm độc lập với nhau.
Bước 2: Chuẩn bị bài học theo Trạm
Sau khi có nội dung từng hoạt động của từng trạm học tập rồi, giáo viên cần căn cứ vào đó chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị, phương tiện học tập cho từng trạm phù hợp.
Bước 3: Tổ chức dạy học theo Trạm
Giáo viên tiến hành hướng dẫn học sinh về nội dung và cách thức hoạt động của từng trạm. Chia học sinh thành các nhóm nhỏ và tiến hành thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Bước 4: Đánh giá nhiệm vụ mỗi trạm và kết luận sau buổi học
Mỗi nhóm cử đại diện lên báo cáo về nhiệm vụ ở mỗi trạm và nhận xét hoạt động nhóm.
Giáo viên nhận xét hoạt động làm việc của từng nhóm, bổ sung kiến thức, giải đáp thắc mắc và tổng kết lại nội dung bài học.
6. Các quy tắc để xây dựng nội dung trạm học tập
- Các nhiệm vụ học tập phải mang tính độc lập để học sinh có thể bắt đầu từ bất kỳ nhiệm vụ nào.
- Với các trạm có thí nghiệm, các nguyên vật liệu phải đơn giản, dễ thao tác, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
- Kiểm soát thời gian thực hiện nhiệm vụ ở mỗi trạm (không quá 15 phút mỗi trạm).
- Cần có cả các trạm có nhiệm vụ bắt buộc và các trạm có nhiệm vụ tự chọn với nhiều độ khó phân cấp khác nhau để cá biệt hoá năng lực của học sinh.
- Sau buổi học giáo viên nên cung cấp đáp án hoặc giải thích lại kết quả của các nhiệm vụ học tập để học sinh tự kiểm tra và đánh giá kết quả bản thân.
- Giáo viên cần xây dựng và thống nhất với học sinh nội quy làm việc tại các trạm trước buổi học.
7. Một số lưu ý để dạy học theo trạm hiệu quả
Cách chuyển trạm:
- Đối với lớp học rộng và số lượng học sinh ít: cách chuyển trạm hợp lý nhất là học sinh di chuyển còn thiết bị, dụng cụ học tập thì để cố định tại các trạm
- Đối với phòng học có diện tích nhỏ và số lượng học sinh đông: cách chuyển trạm tốt nhất là thiết bị, dụng cụ học tập di chuyển còn học sinh thì đứng yên.
Đảm bảo hiệu quả của tiết học:
- Số trạm trong 1 tiết học không quá nhiều (tối đa 7 trạm)
- Giáo viên cần đầu tư thời gian nhiều hơn để chuẩn bị giáo án và giáo cụ
- Phân chia đội nhóm hợp lý, để các bạn hợp tác làm việc hiệu quả
- Số trạm trong một đơn vị kiến thức không quá 7
- Tuỳ từng bài học số lượng thành viên mỗi nhóm không quá 10 người