Môn Toán là một môn chính cực kỳ quan trọng, yêu cầu người học cần có những kỹ năng tính toán riêng, khả năng tiếp thu bài và vận dụng tốt. Khác với những câu Văn dài đôi lúc có chút nhàm chán, môn Toán không yêu cầu người học phải học thuộc nhiều mà cần khả năng nhanh nhặn với những con số và những công thức. Vậy nên môn học này yêu cầu sự chính xác cao và tuyệt đối. Truonghoc247 sẽ chia sẻ cho bạn những sai lầm mà người học học toán hay mắc phải và các mẹo cần để tránh.
7 sai lầm người học toán hay mắc phải
Nhớ nhầm công thức, nhầm định lý
Đây có lẽ là một lỗi sai mà học sinh nào cũng từng mắc phải do đặc thù của môn toán có quá nhiều các công thức định lý nên đôi khi lúc làm bài thi bạn sẽ sử dụng nhầm các công thức tương đương nhau ví dụ mỗi hình học lại có công thức tính chu vi, diện tích riêng, điều này thường xuyên gây nên nhầm lẫn cho người học.
Khi các bạn đã học thuộc hết những công thức nhưng lại không thường xuyên áp dụng vào các bài tập hoặc không kiểm tra lại các công thức khi làm bài, điều này dẫn đến quá trình giải toán sai và gặp nhiều khó khăn.
Môn toán không cần phải học thuộc văn chữ quá nhiều nhưng lại buộc bạn phải nhớ chính xác các công thức định lý nên bạn cần chủ động trong quá trình học bài và vận dụng vào các bài tập thường xuyên để ghi nhớ cách làm, khi nhìn vào các bài toán tương tự ta sẽ nhớ cách giải ngay.
Phương pháp học chưa hiệu quả
Môn toán là một bộ môn logic, các công thức trong toán học có sự liên kết mắt xích với nhau vì vậy nên mỗi người chúng ta đều nên có một cách học riêng để có thể chinh phục môn toán. Một số bạn nhất là đối với các bạn thuộc ban xã hội thường coi môn toán như một bộ môn học thuộc, các bạn học rất kỹ nắm chắc rất nhiều công thức. Tuy nhiên khi áp dụng vào bài làm thực tế các bạn lại không biết nên sử dụng công thức nào cho đúng dẫn đến điểm số môn toán mãi không cao.
Để khắc phục tình trạng này, các bạn hãy thay thế phương pháp học của mình, hãy biết tư duy có hiệu quả hơn. Các bạn hãy thử bắt đầu với những bài toán từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao, vận dụng từng công thức mà bản thân đã học thuộc sau đó có thể nhờ sự trợ giúp từ các bạn khác để đối chiếu lại kết quả.
Học không đúng trọng tâm
Khi đi thi, các bạn thường hay mắc phải đó chính là học tràn lan toàn bộ kiến thức mà không tập trung và bất kỳ một dạng toán nào. Vì thế nên bạn hãy tập trung vào những giới hạn thầy cô đã nói, tổng hợp các đề thi trước để lấy thêm kinh nghiệm, bám sát sách giáo khoa và sách bài tập, làm những bài toán quen thuộc thường xuyên gặp phải.
Khi bạn tham khảo các đề thi trước đó bạn sẽ tìm ra những điểm chung về các dạng toán hay ra, không nên làm những đề toán mà sau này bạn chẳng bao giờ đụng đến vừa làm bạn mất thời gian, lại vừa nhanh nản chí .
Đọc không kỹ đề bài
Chúng ta vẫn thường chủ quan trong quá trình làm toán, khi đọc đề bạn chỉ đọc lướt qua và cảm thấy đây là dạng toán quen thuộc mình đã từng làm rồi mà tiến hành giải ngay khi đã đọc đề rồi. Giáo viên chấm điểm môn toán cũng thường xuyên bắt gặp những trường hợp học sinh có các bước giải đúng tuy nhiên đến phần kết luận lại sai với đề bài đã đưa ra.
Một bài toán sẽ bao gồm rất nhiều những dữ liệu quan trọng và chỉ cần bạn sai một dữ liệu thôi là sẽ dẫn đến một đáp án hoàn toàn khác. Người ra các đề thi đôi khi đã nắm bắt được tâm lý của các bạn hiện nay nên ra những đề toán gây đánh lừa người khác và chỉ cần sơ sẩy chút thôi bạn sẽ rơi vào bẫy của người ra đề.
Ví dụ: một bài toán hình yêu cầu các bạn phải kết luận về chu vi của hình vuông, tuy nhiên sau khi áp dụng các công thức tính toán để tìm ra cạnh hình vuông thì bạn lại chốt ý kết luận luôn. Đây chính là dụng ý người ra đề muốn bạn phải đọc kỹ yêu cầu kết luận của đề bài.
Không rút kinh nghiệm sau mỗi lần sai
Đây là một lỗi sai vô cùng nghiêm trọng, đó là bạn đã sai một lần nhưng lại không rút kinh nghiệm cho những lần sau đó mà lại tiếp tục áp dụng sai công thức. Trong nhiều trường hợp bạn đã làm sai bài toán đó và bạn cũng nhớ lần sai đó như thế nào, tuy nhiên ở lần kế tiếp não bộ bạn lại chỉ nhớ về bài toán sai đó mà không hề nhớ làm sao cho đúng. Đó là do khi sai các bạn thường có xu hướng bỏ qua mà không hề chữa lại bài đúng để ghi nhớ không sai phạm trong những lần tiếp theo.
Để không tiếp tục mắc phải những sai lầm đó, sau khi tự hoàn thành xong một bài toán bạn hãy tự tìm kiếm những điểm dễ bị nhầm lẫn để tự ghi chú cho bản thân, hoặc tự lấy nhiều ví dụ tương tự để giải. Với kinh nghiệm từ những người đi trước thì việc học sinh tự ra đề sẽ giúp nhớ dạng toán đó nhiều hơn, ghi nhớ công thức một cách chính xác nhất.
Thiếu kiên nhẫn khi gặp những bài toán khó
Phần lớn ở trong các đề thi sẽ có những câu hỏi khó để đánh giá mức độ học của học sinh, việc đươc điểm 10 trọn vẹn hay không tất cả phụ thuộc vào giải đề đến câu hỏi cuối. Tuy nhiên nhiều học sinh có tâm lý chung là giải hết đề và bỏ lại câu cuối thậm chí còn không thèm đọc đề vì nghĩ bản thân không thể hoàn thành được.
Cách để giải quyết vấn đề này đó chính là bạn hãy dành ra 3-5 phút để nghỉ ngơi sau đó đọc đề bài thật ký, vạch ra các dữ liệu trong đề bài đối chiếu với các câu hỏi để tìm ra được đáp án. Chỉ khi nào hết thời gian bạn mới bỏ cuộc, nhưng sau đó bạn nên nhờ thầy cô hoặc bạn bè học tốt giảng lại bài đó giúp bạn để ghi nhớ lại cách giải và vận dụng trong những lần sau.
Thiếu tập trung trong quá trình học
Đối với những bạn không xem môn toán là sở thích mà chỉ là một môn học bắt buộc, điều này ảnh hưởng đến thái độ trong quá trình học tập. Bạn sẽ không cảm thấy hứng thú và vui vẻ mỗi khi học môn toán, nhiều bạn còn coi môi môn toán là kẻ thu đáng sợ.
Bạn cần tập trung học đều tất cả các môn, chăm chú nghe những bài giảng từ thầy cô, nếu không có sở trường thì bạn cần phải chăm chỉ, làm tất cả nhưng bài tập cơ bản trong sách giáo khoa đã được dạy và hướng dẫn. Việc áp dụng đúng các kiến thức cơ bản đã chiếm đến 70% điểm số trong một bài thi, chưa tính đến vận dụng nâng cao sẽ chiếm 30% còn lại.
Xem thêm: Chinh phục kiến thức với 11 cách học thuộc nhanh nhất
4 mẹo để hạn chế lỗi sai khi học toán
Biết loại lỗi bạn đang gặp phải
Đây là biện pháp đầu tiên cũng là biện pháp quan trọng nhất để các bạn tránh được những sai lầm trong môn toán. Đó chính là bạn hãy hiểu rõ về các sai lầm dễ mắc phải mà chúng tôi đã đề cập ở trên, người ta thường nói biết “bệnh” thì mới trị được ” bệnh” , bạn phải biết bản thân mình sai ở đâu và như thế nào để từ đó ghi nhớ và tránh lặp lại những sai lầm đó thêm một lần nữa.
Khi bạn đã nắm bắt được tập hợp các lỗi mà học sinh đa số mắc phải, bạn sẽ áp dụng được vào bản thân và nhận biết được rằng bản thân mình cần làm gì để phòng tránh tất cả những lỗi sai lầm đó. Mội lỗi sai đều có cách cách giải quyết và sửa chữa riêng của nó.
Đánh dấu và gạch chân các thông tin chính trong đề bài
Một nghiên cứu đã khẳng định rằng những học sinh học giỏi toán thường có thói quen tập trung vào những thông tin chính trong đề bài, phân tích tổng hợp các dữ liệu để tìm ra đáp án đúng. Điều này sẽ tránh được sai sót trong quá trình giải đề và không vấp phải những đánh lừa của người ra đề khi không đọc kỹ yêu cầu.
Khi đọc đề bài, bạn hãy tự tạo cho mình thói quen dùng bút nhớ gạch chân những yêu cầu chính trong đề bài để tập trung giải đề tránh tạo ra sai sót, kết luận không đáng có. Những bài toán khó, nhiều câu hỏi đôi khi sẽ không phức tạp như bạn nghĩ, thậm trí có nhiều câu hỏi còn mang sẵn câu trả lời trong đó chỉ cần bạn xác định rõ được vấn đề trong câu hỏi của nó.
Ví dụ: Xác định điểm đi qua 2 cạnh AB và BC khác với xác định trung điểm của 2 cạnh AB và BC. Nếu đọc đề bài không kỹ bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn với yêu cầu của đề bài.
Thay thế câu trả lời cuối cùng trở lại câu hỏi
Sau khi hoàn thành một bài giải, các bạn vẫn thường quên mất bước đối chiếu và so sánh lại với những gì đề bài bài yêu cầu và kết luận luôn dẫn đến những lỗi sai cơ bản.
Nếu thiếu thời gian để kiểm tra lại đáp án, bạn có thể áp dụng cách là ước lượng đề bài với kết quả thu được xem có hợp lý không. Ví dụ như đề bài yêu cầu tính diện tích của một mảnh vườn mà con số bạn tính ra lại quá nhỏ thì bạn nên xem lại các bước giải của mình. Tuy nhiên cách này cũng chỉ áp dụng trong một số trường hợp do các con số trong đề toán có thể tự đặt ra nên mọi đáp án dù thực tế là không hợp lý nhưng vẫn xảy ra khi bạn giải đề đúng.
Đối với học sinh tiểu học và trung học khi các em gặp bất kỳ bước trung gian nào mà xuất hiện các con số tỉ (ví dụ nhưng cạnh hình vuông bằng 3,33333…) các em nên ngay lập tức dừng lại và xem lại các bước trước đó xem mình đã làm đúng chưa.
Sử dụng đúng các đơn vị và lỗi trình bày
Đây là một biện pháp mà các bạn nên cần chú ý tới vì các tác giả ra đề sẽ thường xuyên dùng cách này để đánh lừa người thi dẫn đến những kết luận sai. Các đơn vị này sẽ thường liên quan đến các bài toán về vận tốc, chu vi và diện tích,… có liên quan đến các đơn vị số cần đổi.
Khi làm bài chúng ta cần chú ý đến đơn vị đầu tiên đề bài áp dụng sẽ là đơn vị chuẩn để những dữ liệu sau nếu chưa đúng thì chúng ta cần đổi lại để thống nhất trong một đơn vị. Hoặc không nhất thiết phải là đơn vị đầu tiên làm chuẩn mà các bạn chỉ cần chú ý đọc kỹ đề bài và đưa tất cả về một trước khi bắt đầu giải toán.
Ví dụ: Cho diện tích hình chữ nhất là 12m2, chiều dài hình chữ nhật là 60cm. Hỏi chiều rộng hình chữ nhật là bao nhiêu? Khi đó bạn hãy đổi 60cm ra đơn vị m để đúng với đơn vị diện tích sau đó mới tính chiều rộng.
Môn toán là một môn học quan trọng và đòi hỏi nhiều kỹ năng cần thiết, hy vọng bài viết trên của Truonghoc247 đã giúp bạn biết thêm được những lỗi sai thường mắc phải khi học toán và có những biện pháp cho bản thân để chinh phục được môn toán trong tương lai. Chúc bạn sẽ có những kết quả học tập thật tốt nhé!
Xem thêm: 16 phương pháp học online hiệu quả, chinh phục kiến thức