Mỗi đứa trẻ khi bước vào giai đoạn học tiểu học sẽ phải trải qua khá nhiều sự bỡ ngỡ bởi phải tiếp cận cách dạy học mới khác xa so với giai đoạn mẫu giáo, Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô cần có những phương pháp dạy học phù hợp với các bạn nhỏ nhằm đem lại hiệu quả học tập tốt nhất cũng như hứng thú để thúc đẩy tinh thần ham học hỏi của các bé. Để giải quyết vấn đề này, các thầy cô có thể tham khảo 13 phương pháp dạy học dành cho các bé học sinh tiểu học dưới đây cùng Trường học 247 nhé!
1. Phương pháp dạy học theo nhóm
Với phương pháp dạy học theo nhóm, giáo viên cần chia lớp thành các nhóm nhỏ với số lượng học sinh của mỗi nhóm tương đối bằng nhau. Sau đó thầy cô cần đưa câu hỏi hoặc bài tập để các bạn học sinh bắt đầu thực hiện trao đổi để hoàn thành nhiệm vụ. Và cuối cùng thì các nhóm sẽ cử ra người đại diện hoặc cả nhóm sẽ cùng trình bày kết quả làm việc nhóm trước các bạn và thầy cô.
Đối với phương pháp này, giáo viên có thể chia nhóm ngẫu nhiên, chia nhóm theo số thứ tự, hoặc cũng có thể là các bạn hay chơi với nhau tự tạo thành một nhóm. Tuy nhiên thì mỗi nhóm cần phải có cả các bạn học giỏi, học khá và học kém để giúp đỡ. hỗ trợ cho nhau trong học tập cũng như hoàn thành được bài tập thầy cô giao.
Các thầy cô có thể giao cho mỗi nhóm một nhiệm vụ hoặc giao cho tất cả các nhóm cùng nhiệm vụ tùy theo yêu cầu của môn học để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Dạy học theo nhóm sẽ giúp giáo viên có thể dễ dàng nhận ra các thế mạnh cũng như điểm yếu của học sinh, nhằm định hướng phương pháp học tập tốt nhất cho mỗi bạn. Và cũng đòi hỏi thầy cô phải đưa ra những nhiệm vụ phù hợp và tạo được hứng thú học tập cho các bé.
2. Phương pháp dạy học theo hướng giải quyết vấn đề
Đối với phương pháp này. giáo viên nên chia lớp ra thành các nhóm nhỏ như ở phương pháp dạy học theo nhóm. Sau đó sẽ đưa ra các vấn đề cần giải quyết để các nhóm tự trao đổi, nhằm kích thích sự tư duy độc lập của học sinh.
Thầy cô nên đưa ra các vấn đề có những kiến thức mà các bạn nhỏ đã được học và có cả những kiến thức mới, và định hướng giúp các bé học cách tự tìm phương án giải quyết phù hợp nhất.
Sau khi các nhóm học sinh trình bày hết những hướng giải quyết mà các bạn tìm được, thầy cô cần tổng hợp những biện pháp đó và đưa ra những lời nhận xét cùng sự đánh giá về mức độ đúng đắn của giải pháp đó.
Và tất nhiên giáo viên sẽ phải lựa chọn và đưa ra phương án giải quyết phù hợp cùng lời giải thích để giúp học sinh hiểu rõ. Đồng thời cần phải áp dụng trong tình hình thực tế nhằm tăng tính thuyết phục cũng như giúp các bé học sinh ghi nhớ tốt hơn.
3. Phương pháp phân chia theo từng trường hợp cụ thể
Phương pháp dạy học này đòi hỏi thầy cô phải đưa ra những trường hợp để các em học sinh phải tự nghiên cứu cũng như đưa ra được hướng giải quyết phù hợp nhất với từng tình huống cụ thể đó.
Mỗi bạn hoặc mỗi nhóm học sinh nên dựa vào những kiến thức đã được học hoặc những thông tin tự tìm kiếm được để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tùy vào từng trường hợp thực tiễn cụ thể thì sẽ có những giải pháp hợp lý và học sinh phải lựa chọn được phương án hay nhất, đúng nhất với trường hợp đấy, đưa ra được lý do mà các em lại chọn giải pháp đó.
Đối với phương pháp phân tích theo từng trường hợp cụ thể này nên áp dụng với các bé học sinh lớp 4 hoặc lớp 5 sẽ phù hợp nhất.
4. Phương pháp dạy học theo dự án
Đây là phương án dạy học mà đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh. Các bạn học sinh sẽ được phân chia theo các nhóm dưới sự phân công và giúp đỡ của thầy cô để tự tìm ra giải pháp liên quan đến một nhiệm vụ học tập.
Nhiệm vụ đó sẽ có sự kết hợp của việc áp dụng các lý thuyết và việc thực hành vào thực tiễn, nhằm thúc đẩy tinh thần chủ động, ham học hỏi ,giúp mở rộng suy nghĩ và tư duy của học sinh, chứ không chỉ học theo những lý thuyết khô khan trên sách vở. Dạy học theo dự án ở cấp độ tiểu học tạo một môi trường giúp trẻ phát triển toàn diện về những kỹ năng cần thiết trong học tập, khiến các bé học sinh có hứng thú và cảm thấy việc học trở nên ý nghĩa hơn.
Và khi tổ chức áp dụng phương pháp này thì giáo viên sẽ phải lên một lịch trình với các giai đoạn cụ thể: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hiện và giai đoạn tổng hợp và đánh giá. Việc chia nhỏ ra các bước như vậy thì giúp học sinh từng bước tiếp cận với cách dạy này mà không bị bỡ ngỡ, đồng thời giúp thầy cô dễ dàng quản lý và quan tâm đến các nhóm làm dự án.
5. Phương pháp dạy học khám phá
Phương pháp dạy học theo cách khám phá là cách thức tổ chức nhằm giúp học sinh tự chủ động khám phá, tìm tòi để tiếp thu những kiến thức mới, thể hiện tinh thần chủ động và ý thức tự giác trong học tập.
Các thầy cô sẽ đưa ra các yêu cầu, các vấn đề để các bạn học sinh thảo luận, trao đổi với nhau để tìm ra những tri thức mới bằng cách phân tích, đặt câu hỏi, quan sát và rút ra kết luận cho vấn đề đó.
Với việc dạy học khám phá, giáo viên cần làm định hướng, tổ chức và hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để học sinh hiểu rõ nhiệm vụ cần phải làm. Còn học sinh phải nâng cao ý thức tự giác, chủ động để tìm tòi khám phá những hướng giải quyết khác nhau từ vấn đề mà thầy cô đưa ra.
Phương pháp này giúp học sinh tương tác với nhau nhiều hơn trong quá trình học tập, là nền tảng để xây dựng được đức tính tự học hiệu quả. Khám phá không chỉ thúc đẩy khả năng tư duy đầy sáng tạo mà còn giúp học sinh có thể đưa ra những ý kiến cá nhân, góp phần làm tăng hiệu quả học tập.
Xem thêm: Đổi mới phương pháp dạy học là gì? Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học
6. Phương pháp dạy thuyết trình
Thuyết trình là một trong những phương pháp học tập rất quen thuộc, sẽ kéo dài suốt thời kỳ học sinh mà thậm chí lên đại học càng phải sử dụng nhiều. Và đối với thuyết trình ở cấp độ tiểu học thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Phương pháp thuyết trình đòi hỏi học sinh phải làm việc nhóm một cách hiệu quả để tìm ra được những thông tin, kiến thức quan trọng trong sách vở và cả bên ngoài để phục vụ cho việc đáp ứng yêu cầu mà giáo viên đưa ra.
Sau khi tìm kiếm được tài liệu có liên quan thì phải tổng hợp lại theo một trật tự logic để có thể trình bày trước cả lớp và thầy cô một cách tốt nhất. Thuyết trình sẽ rèn luyện cho học sinh sự tự tin, nói làm sao để thu hút được sự chú ý của người nghe và để truyền tải tốt nhất nội dung mình đang nói tới mọi người.
Để đạt được hiệu quả cao nhất thì ở phương pháp này, học sinh khi thuyết trình cần phải có sự nhịp nhàng trong lời nói, kết hợp được giữa hành vi và cử chỉ sao cho phù hợp nhất.
7. Phương pháp dạy học hỏi – đáp
Phương pháp dạy học hỏi – đáp thể hiện sự đối thoại giữa giáo viên và học sinh dựa trên những kiến thức có liên quan đến bài học trong sách vở mà đôi khi là cả những kiến thức thực tiễn giúp học sinh dễ hiểu và áp dụng hơn. Khi thầy cô đưa ra các câu hỏi để học sinh trả lời cũng cần phải dựa vào trình độ, năng lực của mỗi bạn chứ không thể đưa một câu hỏi quá khó cho một bạn học chưa được tốt.
Hỏi – đáp đòi hỏi học sinh phải đưa ra câu trả lời nhanh do đó sẽ kích thích lối tư duy nhanh nhạy, đồng thời giúp giáo viên nắm được năng lực cùng trình độ nhận thức của học sinh đó một cách chính xác nhất. Sau đó sẽ có những sự điều chỉnh trong cách dạy để phù hợp hơn với mỗi bạn, nhằm nâng cao chất lượng chung của cả lớp.
Khi sử dụng phương pháp dạy học này sẽ giúp bầu không khí trong lớp trở nên sôi nổi hơn, tạo sự hứng thú, tích cực tham gia xây dựng bài giảng, tăng sự tương tác giữa thầy cô và học sinh. Đây cũng là một trong những giải pháp học tập nhằm nâng cao sự tự duy độc lập, chủ động trong nhận thức và khả năng trình bày bằng lời nói của học sinh.
Với phương pháp hỏi – đáp, giáo viên cần đưa ra những câu hỏi có sự kết hợp giữa bài học cũ và mới nhằm giúp học sinh trả lời có thể vừa ôn tập được kiến thức cũ vừa giúp giáo viên bắt đầu dạy kiến thức mới một cách hiệu quả hơn.
8. Phương pháp tạo không gian tự học
Một trong những phương pháp giáo dục ở tiểu học hiệu quả tích cực nhất chính là tạo ra một không gian tự học kích thích được hứng thú học tập cho học sinh.
Khi thực hiện được phương pháp này ngay ở bậc tiểu học thì sẽ rèn luyện những kỹ năng, tính tự lập chủ động hơn và thói quen tự học cho các bạn nhỏ. Từ đó khơi gợi được tinh thần ham học, khả năng vốn có ở bên trong mỗi người góp phần đem lại hiệu quả học tập cao hơn.
Xây dựng được một không gian tự học sẽ giúp học sinh có sự tư duy nhanh nhẹn với những ý kiến mới lạ, độc đáo về mỗi một chủ đề nào đó khi được đưa ra để thảo luận. Tự học cũng sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong suy nghĩ và dám thể hiện bản thân bằng cách đặt câu hỏi và tranh luận với giáo viên với những vấn đề cảm thấy chưa hiểu rõ hoặc không hiểu.
Đây cũng là một trong những phương pháp thể hiện được khả năng tích lũy tri thức của học sinh, rèn luyện và duy trì được tính tự học sẽ giúp các em có nhiều lợi thế trong học tập, thậm chí là nhiều mặt khác trong cuộc sống xung quanh. Không gian tự học này nên được tự bản thân các em tự tạo ra dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của thầy cô và cả cha mẹ để đem lại hiệu quả tốt nhất.
9. Phương pháp đánh giá giữa thầy với trò
Phương pháp đánh giá giữa thầy và trò đã và đang trở nên hữu ích, có ý nghĩa trong giáo dục tiểu học. Bởi sẽ có tác dụng trong việc hiểu rõ về thực trạng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.
Trước hết ở việc đánh giá này sẽ giúp cho giáo viên đưa ra được những đánh giá về năng lực, trình độ cùng các kỹ năng của học sinh một cách chính xác nhất bằng các sự chỉ dẫn cụ thể. Đồng thời sẽ tiếp nhận cả ý kiến đánh giá giữa các em học sinh với nhau để đưa ra kết luận khách quan nhất.
Điều đó cũng sẽ tác động đến việc đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên. Tùy vào thực trạng của mỗi em học sinh là khác nhau nên mỗi thầy cô cũng cần có những sự điều chỉnh trong cách dạy học của mình để phù hợp nhất và đem lại chất lượng cao nhất.
Thầy cô không chỉ truyền đạt những kiến thức mà còn phải rèn luyện những kỹ năng, sự tư duy để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của học sinh. Phải kết hợp hài hòa giữa việc học và hành để áp dụng kiến thức vào tình hình thực tế giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.
Bởi vậy, đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm trong giáo dục cùng với việc áp dụng những phương pháp dạy học hiệu quả giúp học sinh hứng thú, không bị cảm thấy nhàm chán trong việc tiếp thu tri thức.
Các em học sinh cũng cần chủ động tham gia vào những yêu cầu của thầy cô. Vì bất cứ một việc gì cũng cần có sự phối hợp của cả hai bên thì hiệu quả đem lại mới có thể hoàn hảo nhất.
10. Phương pháp thảo luận nhanh
Thảo luận nhanh cũng là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến trong giáo dục ở tiểu học. Ở đây, thầy cô sẽ giao cho các em học sinh một câu hỏi hay nhiệm vụ nào đó và yêu cầu trong một thời gian ngắn cần phải trả lời được.
Phương pháp này tạo sự tương tác trực tiếp nhanh gọn giữa học sinh và giáo viên, thúc đẩy việc dạy và tiếp thu kiến thức nhanh, sinh động hơn. Và tăng sự tham gia trả lời bài của các học sinh trong lớp đối với nhiệm vụ mà thầy cô đề ra.
Một câu hỏi những mỗi em lại có một cách tư duy thì sẽ đem đến nhiều câu trả lời hay và thú vị. Do vậy, mà lượng thông tin thu thập được sẽ phong phú, đa dạng, góp phần làm không khí lớp học trở nên sôi động hơn.
Dạy học thảo luận nhanh được thực hiện một cách đơn giản nên có thể diễn ra ở bất cứ hoàn cảnh nào mà thầy cô cảm thấy cần thiết và phù hợp để có thể sử dụng. Mỗi học sinh sẽ tự nêu ra ý kiến của mình một cách ngắn gọn, vừa tiết kiệm thời gian vừa giúp chất lượng bài giảng được nâng cao.
11. Phương pháp học tập kết hợp công nghệ
Với thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay thì việc áp dụng kết hợp giữa học tập và công nghệ là một điều vô cùng cần thiết. Đó là một trong những giải pháp mới mẻ, thu hút sự chú ý và tinh thần học bài của học sinh.
Với những cách dạy học truyền thống tuy vẫn đem lại hiệu quả cao trong giáo dục tiểu học nhưng đôi khi chưa thực sự tạo được hứng thú cho các em. Việc áp dụng công nghệ sẽ khắc phục được tình trạng này.
Phương pháp học tập kết hợp với công nghệ là hình thức học tập mà ở đó học sinh sẽ có thể học mọi lúc, mọi nơi chỉ với những thiết bị di động có kết nối internet. Các bài giảng, khóa học online có thiết kế bắt mắt, âm thanh, hình ảnh sống động thu hút tinh thần chủ động học hỏi của học sinh.
Ngoài ra thì còn có các ứng dụng, phần mềm học tập mà các em có thể vừa học vừa được thực hành ngay giúp việc áp dụng kiến thức trở nên hiệu quả hơn.
Đây là một giải pháp phù hợp với thời đại ngày nay mà thầy cô cùng phụ huynh nên áp dụng trong cách giáo dục con em mình, vừa tạo được nhiều điều kiện thuận lợi cho các em tiếp thu kiến thức vừa làm cho tinh thần học tập của con em được nâng cao.
12. Phương pháp học tập theo tiêu chuẩn đầu ra
Ở mỗi một cấp độ giáo dục thì sẽ có những yêu cầu về tiêu chuẩn đầu ra khác nhau. Giáo viên cũng phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của các trường đại học trong học tập thì mới có thể trở thành những người thầy, người cô đi truyền đạt lại tri thức cho học sinh.
Và học sinh cũng cần đáp ứng được tiêu chuẩn đầu ra thì mới học lên được các bậc cao hơn. Vậy nên học tập theo chuẩn đầu ra sẽ gắn liền với chúng ta trong suốt cuộc đời làm học sinh, sinh viên.
Phương pháp học tập theo tiêu chuẩn đầu ra trong tất cả các cấp bậc mà trước hết là tiểu học sẽ chủ yếu tập trung vào học sinh. Giáo viên sẽ đóng vai trò làm người đồng hành, hướng dẫn và chỉ bảo các em để đạt được những yêu cầu đó.
Tuy nhiên yếu tố lớn nhất chính là ở bản thân học sinh. Nếu các em không cố gắng tiếp thu những gì thầy cô dạy, không có sự cố gắng phấn đấu trong học tập thì không thể nào đáp ứng được tiêu chuẩn đầu ra đó.
Vậy nên phương pháp này có một yêu cầu rất lớn đối với người học. Đó là tinh thần chủ động, ý thức tự giác, sự nỗ lực học tập thì mới có thể hoàn thành được tiêu chuẩn đầu ra và tiếp tục bước vào một cấp độ cao hơn.
13. Phương pháp học tập theo hướng thực tiễn
Đây là phương pháp cuối cùng mà chúng tôi muốn giới thiệu đến trong bài viết của mình. Bởi lẽ việc học tập sau cùng chính là để áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống, bằng không tất cả cũng đều trở nên vô dụng.
Giống như Bác Hồ đã từng nói: “ Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi.” Thật vậy, việc học tập luôn phải theo định hướng thực tiễn thì mới đem lại hiệu quả to lớn nhất.
Do đó, giáo viên khi truyền đạt kiến thức cũng cần dạy học sinh cách áp dụng được vào thực tế, vừa làm rõ hơn, dễ hiểu hơn tri thức đó vừa làm tăng khả năng ghi nhớ của các em. Bởi vừa học vừa làm được thì mới có thể nhớ nhanh hơn, lâu hơn.
Phương pháp học tập theo hướng thực tiễn sẽ cho chúng ta biết được câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi học những kiến thức trên sách vở, những kiến thức được thầy cô dạy và cả những điều tự học được để làm gì, áp dụng vào tình huống cụ thể trong cuộc sống thì sẽ xử lý như thế nào.
Trên đây là 13 phương pháp dạy học trong cấp bậc tiểu học mang lại ý nghĩa và hiệu quả cao. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tùy vào từng khả năng, trình độ của mỗi em học sinh mà thầy cô hay cha mẹ sẽ áp dụng phương pháp phù hợp.Trường học 247 hy vọng những giải pháp này sẽ giúp cho các em học sinh nâng cao được năng lực học tập, khả năng tiếp thu và vận dụng những tri thức được học vào cuộc sống.
Xem thêm: 31 kỹ thuật dạy học tích cực giúp thu hút học sinh hiệu quả