Quá trình học tập dài hạn sẽ dần mang đến cho học sinh cảm giác chán nản và muốn bỏ cuộc. Vậy nên, giáo viên cần phải tìm hiểu về những cách tạo hứng thú trong học tập thể thu hút học sinh và tạo nên những giờ học hiệu quả đem lại chất lượng cao. Bài viết dưới đây, Truonghoc247 sẽ gợi ý cho bạn một số cách tạo hứng thú trong học tập hiệu quả.
1. Hoạt động giới thiệu bài giảng mới
Ngay khi bắt đầu một bài học mới, bạn có thể giới thiệu một hoạt động thú vị liên quan đến bài giảng để gây cho học sinh sự tò mò và kích thích cá nhân. Nếu như mở đầu bài giảng mà bạn không tạo ra được sự hứng thú cho học sinh của mình thì chắc hẳn rằng giờ học còn lại bạn sẽ phải giảng bài liên tục mà ít nhận lại sự tương tác từ phía học sinh.
Có rất nhiều cách để bạn có thể giới thiệu về bài giảng mới thật cách độc đáo ví dụ: để lại một câu hỏi để học sinh bàn luận, phát video, chơi trò chơi khởi động,…Việc thu hút học sinh có hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của bạn.
2. Các hoạt động chuyển tiếp trong giờ học
Để có thể đảm bảo rằng, học sinh sẽ chăm chú nghe giảng cả một tiết học, bạn nên có những hoạt động chuyển tiếp giữa giờ để tránh gây cảm giác nhàm chán và lấy lại tinh thần cho học sinh.
Các hoạt động chuyển tiếp này sẽ trở nên thú vị hơn nhờ vào sự sáng tạo và đa dạng của bạn. Bạn có thể cho lớp mình hát một bài hát quen thuộc, âm nhạc sẽ làm giảm cảm giác mệt mỏi và giúp các em hứng thú hơn khi tiếp tục với môn học này.
3. Hoạt động đặt câu hỏi
Bạn không nên giảng bài quá nhiều và dồn dập, như thế sẽ làm cho học sinh cảm thấy mệt mỏi khi phải tiếp thu quá nhiều kiến thức. Bởi vậy, bạn hãy rèn cho học sinh của mình các kỹ năng để đặt câu hỏi trong giờ. Hoạt động này sẽ làm tiết học của bạn sôi động hơn, các em có thể đặt câu hỏi cho nhau và từ đó bạn cũng có thể đánh giá mức độ hiểu bài của các học sinh như thế nào để có hướng dạy phù hợp hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên cởi mở với học sinh của mình, sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi của học sinh, phân tích lại những ý mà các em chưa hiểu. Từ đó, kết quả học tập cũng được cải thiện rõ rệt khi học sinh đều hiểu bài.
4. Phối hợp nhiều phương pháp dạy khác nhau
Nếu bạn chỉ lặp đi lặp lại một phương pháp dạy cổ điển, rồi dạy hết tiết này đến tiết khác thì đương nhiên sẽ không tạo cho học sinh được sự hứng thú. Các em sẽ không mong muốn khi đến giờ dạy của bạn vì nó được lặp lại quá nhiều lần, thậm chí các em còn đoán được bạn sắp sửa dạy như thế nào? Đặt các câu hỏi ra sao?
Bạn nên dành ra một khoảng thời gian rảnh trong ngày để học thêm nhiều phương pháp dạy học hiệu quả để áp dụng với lớp học của mình. Học sinh không đoán trước được tiết học đó cô giáo sẽ làm những gì, vô tình sẽ tạo nên sự tò mò và muốn khám phá nhiều hơn.
5. Kết hợp trò chơi trong giờ học
Đây là một phương pháp mà được rất nhiều giáo viên thường áp dụng đó chính là kết hợp trò chơi vào trong các tiết học. Khi thiết kế các trò chơi, bạn cũng cần định hướng rằng trò chơi đó vừa thú vị lại vừa liên quan đến bài học. Như vậy học sinh có thể giải trí trong giờ học căng thẳng và cũng nhớ được bài giảng lâu hơn vì nó đều liên quan đến những kiến thức trong sách vở.
Ví dụ như học từ mới môn tiếng Anh, bạn sẽ tiến hành trò chơi đập bảng. Bạn sẽ điền các từ mới học lên bảng sau đó mời 5-7 em tham gia, bạn sẽ đọc nghĩa tiếng việt của một từ bất kỳ và em nào nhanh mắt sẽ đập tay vào từ đó trên bảng. Đó chính là một phương pháp để các học sinh ôn lại kiến thức và nhớ từ vựng lâu hơn.
6. Tổ chức làm việc nhóm
Làm việc nhóm là một hình thức làm việc hiệu quả để cho tất cả các học sinh đều có cơ hội đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Khi có một chủ đề cần tham khảo, giáo viên sẽ chia học sinh ra thành các nhóm nhỏ khác nhau và yêu cầu thảo luận, sau đó sẽ trình bày kết quả thu được của mình trước lớp.
Với phương pháp này, các em học sinh sẽ được tự do thảo luận sôi nổi với nhau, bạn nào cũng được đưa ra quan điểm cá nhân của mình, phát huy được tinh thần tự giác và chủ động trong quá trình cộng sự với nhau. Kết quả cuối cùng thu lại cũng cao hơn do có sự hợp nhất từ nhiều ý kiến, góc nhìn của các thành viên trong nhóm.
7. Sử dụng các phương tiện hỗ trợ
Các công cụ, phương tiện hỗ trợ là một điều rất cần thiết trong mỗi tiết học, nó sẽ tạo cảm giác gần gũi và dễ dàng tiếp thu hơn với học sinh. Hầu hết các lớp học hiện nay đã sử dụng máy chiều thay thế dần bảng đen vì những sự tiện ích mà nó mang lại. Bạn có thể trình chiếu bài giảng của mình mà không cần viết thủ công, học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc ghi chép. Trong quá trình học, bạn có thể phát thêm các đoạn video ngắn để hỗ trợ bài giảng của mình. Tuy nhiên các hình ảnh minh hoạ và video đều phải liên quan đến nội dung bài và bạn hoàn toàn phải định hướng đúng cho học sinh quan sát đến những trọng tâm mà bài giảng đang muốn hướng đến.
8. Dạy lý thuyết song song với thực hành
Học sinh sẽ cảm thấy thích thú với môn học hơn khi giáo viên có thể kết hợp giữa việc dạy lý thuyết song song với thực hành. Mỗi ngôi trường cần trang bị đầy đủ về các phòng học riêng liên quan đến thực hành, thí nghiệm để tạo điều kiện tốt nhất trong việc học tập cũng như giảng dạy. Sau các bài giảng lý thuyết khô khan thì học sinh cần được thực hành thì mới dễ dàng nắm được toàn bộ nội dung cần học. Các em sẽ lý giải được các hiện tượng xảy ra và vì được trải nghiệm thực tế nên việc ghi nhớ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
9. Kết hợp kể chuyện, liên hệ thực tế
Kể chuyện cũng là một loại kỹ năng cần thiết mà bất kể người giáo viên nào cũng nên cần học. Khi bạn có lối kể chuyện cuốn hút, học sinh sẽ dần chăm chú vào câu chuyện của bạn kể hơn, câu chuyện đó có thể là những chuyện bên lề không liên quan đến bài học nhưng ít ra giáo viên cũng đang thu hút được sự chú ý vào bản thân mình. Như vậy khi bắt đầu vào bài giảng mới sẽ hiệu quả hơn. Một số câu chuyện trong thực tế có liên quan đến kiến thức cần học cũng nên được giáo viên chia sẻ xen kẽ trong quá trình học để tiết học trở nên bớt nhàm chán.
10. Tạo dựng mối quan hệ tốt giữa giáo viên và học sinh
Tâm lý chung của học sinh khi lên lớp là luôn thích những người giáo viên vui vẻ và mang đến nhiều năng lượng tích cực. Học sinh luôn sợ mình phải gặp những người giáo viên khó tính, luôn quát mắng và có những thái độ tiêu cực trong lớp học. Vì vậy, không có lý do gì mà bạn phải trở thành người xấu trong mắt của học sinh cả, hãy trở thành một người giáo viên tốt, dễ tính không có nghĩa là bạn sẽ hời hợt trong việc giảng dạy.
Tất cả những gì bạn làm, bạn biểu hiện ra bên ngoài sẽ là một tấm gương phản chiếu để học sinh noi theo, vậy nên trong mỗi giờ học hãy thể hiện sự nhiệt tình, tích cực để nhận lại sự tương tác từ học sinh của mình.
11. Thời gian nghỉ ngơi phù hợp
Việc giảng bài liên tục trong một thời gian dài sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi và học sinh cũng chán nản khi phải nghe quá nhiều kiến thức. Hãy phân chia thời gian trong lớp học một cách phù hợp, căn thời gian nghỉ giải lao giữa giờ, đây chính là lúc để bạn cũng như học sinh được nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục vào các nội dung mới.
Một bài giảng nếu bạn liên tục dạy trong vòng 60 phút thì chắc hẳn ngay cả học sinh chăm học nhất cũng chỉ tiếp thu được 75% kiến thức, do não bộ cần có sự nghỉ ngơi liên tục để nạp lại năng lượng cho những hoạt động tiếp theo.
Xem thêm: Top 10 phương pháp dạy học tích cực hiệu quả nhất hiện nay
12. Tổ chức các hoạt động ngoài trời
Dạy học ngoài trời luôn là phương pháp đem lại nhiều sự hứng thú nhất cho học sinh trong quá trình học. Bởi khi được hoạt động bên ngoài học sinh sẽ cảm giác mình được tự do hơn và không bị bó buộc trong phạm vi lớp học. Phương pháp này giúp học sinh được tiếp cận nhiều hơn với thiên nhiên, áp dụng những điều mình đã học vào trong thực tế để xử lý tình huống. Đây sẽ là cơ hội để các em được thể hiện bản thân về tài năng cũng như sự tư duy logic, được tiếp xúc trực tiếp với các sự vật hoạt động mà mình mới chỉ được học trong sách vở.
Tuy nhiên, khi tổ chức các hoạt động này, giáo viên phải là người lãnh đạo tốt, kiểm soát toàn bộ hoạt động của học sinh. Các kỹ năng định hướng hoạt động và quản lý phải được phát huy tối đa để học sinh vừa được giải trí cũng vừa được áp dụng, thực hành các lý thuyết mà mình đã được học.
13. Chuẩn bị giáo án bài giảng một cách kỹ càng
Kiến thức truyền đạt đến học sinh vô cùng quan trọng, một bài giảng có nội dung hay, sáng tạo sẽ thu hút hơn một bài giảng hời hợt. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian để soạn bài giảng mỗi ngày trước khi có tiết dạy để thể hiện sự chu đáo và tâm huyết với nghề. Đồng thời, nội dung bài giảng càng chi tiết, rõ ràng sẽ càng làm tăng hiệu quả đối với học sinh.
Trong quá trình soạn giáo án, bạn nên chắt lọc các ý chính, trọng tâm, không nên chuẩn bị những nội dung lan man để tránh làm mất thời gian và công sức giảng dạy. Một giáo án hiệu quả nên cụ thể và chi tiết những nội dung trọng tâm để chỉ rõ những định hướng mà giáo viên muốn hướng tới.
14. Sử dụng sơ đồ tư duy để tổng kết bài giảng
Sơ đồ tư duy được sử dụng khá nhiều trong các môn học, đây là hình thức để cả người học và người dạy có thể tổng kết các kiến thức chỉ trong một trang giấy. Việc thiết kế sơ đồ tư duy sẽ làm tăng khả năng sáng tạo cho học sinh, kích thích não hoạt động và phát triển tốt hơn. Cuối mỗi bài giảng, giáo viên có thể trình chiếu một sơ đồ tư duy để học sinh có thể nắm bắt và tổng kết được toàn bộ bài học hoặc có thể giao thành bài tập về nhà. Khi các em tự tay vẽ sơ đồ tư duy chính là một hình thức tự ôn tập lại kiến thức cho mình một cách cụ thể và hết sức khoa học.
15. Tiến hành khen ngợi khích lệ đối với những học sinh tốt
Sự khích lệ và khen thưởng trong quá trình học tập là một cách để kích thích sự phát triển của trẻ, tâm lý của người sau khi được khen ngợi là sẽ cố gắng và phát huy thế mạnh nhiều hơn nữa, giúp tiết học của bạn trở nên thu hút và hiệu quả hơn. Các học sinh trong lớp sẽ cùng nhau cố gắng để hướng đến sự khen ngợi, các em sẽ cạnh tranh hoàn toàn dựa trên tính công bằng, giúp nâng cao thành tích học tập của mỗi cá nhân.
16. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tự tin
Để có thể tự tin đứng trước hàng chục học sinh của mình, mỗi người giáo viên đều phải không ngừng trau dồi thêm các kỹ năng bổ sung như kỹ năng giao tiếp, cách sử dụng từ ngữ thu hút. Trong một tiết học đây là kỹ năng rất cần thiết để tập trung sự chú ý của toàn bộ học sinh hướng mắt lên bài giảng của mình. Giọng nói hay, truyền cảm cũng là một yếu tố bổ sung tác động đến chất lượng của buổi học.
17. Ghi nhận những ý kiến, đóng góp trong giờ học
Khi có sự đóng góp từ học sinh về bài giảng hay cách giảng dạy của giáo viên thì các bạn đều phải ghi nhận các ý kiến đó một cách tích cực. Trước hết là để học sinh cảm nhận được rằng bản thân mình là một phần trong lớp học được tự do phản hồi ý kiến, thứ hai là giáo viên cần phải nhìn nhận khách quan về những đánh giá đó để có thể nhận ra điểm thiếu xót của bản thân mà thay đổi, mang lại những tiết học phù hợp nhất đến cho học sinh.
18. Hạn chế việc đọc, chép trong buổi học
Việc giáo viên đọc, học sinh ghi chép đã là phương pháp dạy học truyền thống rồi và nó cần phải được thay đổi để mỗi giờ học trở nên hứng thú hơn với học sinh. Với mỗi nội dung quan trọng, giáo viên có thể cho học sinh có thể đưa ra những nhận định, đánh giá của mình để có được góc nhìn đa chiều, sau đó giáo viên sẽ là người tổng hợp ý kiến và chốt lại vấn đề. Như vậy sẽ vừa giúp học sinh hiểu bài tốt hơn, lại tránh được tính trạng học một cách thụ động ghi chép lại nội dung được giảng mà không hiểu bản chất của vấn đề.
Trên đây, Truonghoc247 đã tổng hợp đến bạn đa dạng các phương pháp để tạo hứng thú trong học tập đem đến cho học sinh những bài giảng thật hay và thú vị. Hy vọng đã giúp ích một phần cho bạn trong quá trình dạy học nhé!
Xem thêm: Top 10 biện pháp nâng cao chất lượng dạy học dễ áp dụng, hiệu quả cao