Nghề nghiệp là một phần quan trọng của cuộc sống. Tuy nhiên, các em học sinh THPT khi đứng trước quyết định lựa chọn ngành học, chương trình học để theo đuổi thường mông lung, mất định hướng. Lý do cho tình trạng này là do chưa đủ thấu hiểu bản thân cũng như thiếu kiến thức về thị trường việc làm. Từ đó, các em đưa ra quyết định vội vàng, theo số đông, nghe theo cha mẹ có thể dẫn tới sự nuối tiếc sau này. Vì vậy, hướng nghiệp cho học sinh THPT là một hoạt động vô cùng cần thiết trong quá trình giáo dục và định hướng các em.
Hướng nghiệp cho học sinh THPT là gì?
Hướng nghiệp cho học sinh THPT là hoạt động tư vấn, hỗ trợ. Các em được tạo cơ hội tìm hiểu sở thích, năng lực bản thân; đồng thời hiểu rõ đặc điểm các ngành nghề và nhu cầu thị trường. Từ đó, các em tự nhận định lĩnh vực, ngành nghề phù hợp và mong muốn theo đuổi.
Thấu hiểu sự phù hợp của bản thân với các lĩnh vực, ngành nghề là nền tảng để học sinh THPT xây dựng kế hoạch tương lai. Cụ thể, các em dễ dàng hơn trong việc xác định ngành học và chương trình phù hợp. Khi đó, học sinh rõ ràng trong định hướng, hạn chế những bước tiến sai lầm, ảnh hưởng trực tiếp sự hiệu quả trong quá trình học tập và rèn luyện.
Tầm quan trọng của hướng nghiệp cho học sinh THPT
Xã hội càng phát triển, yêu cầu trình độ chuyên môn trong công việc càng cao. Để một nhân sự đạt được trình độ cao, sự phù hợp cũng như lòng yêu nghề là những yếu tố không thể thiếu.
Tuy nhiên, ngày nay, thực trạng các em học sinh THPT lựa chọn sai ngành nghề, chương trình học do thiếu kiến thức, định hướng đang vô cùng phổ biến. Điều này ảnh hưởng tới:
- Hiệu quả trong việc đầu tư thời gian của học sinh, tiền bạc của gia đình và sự hao tổn giáo dục của xã hội
- Khoảng thời gian vàng học hỏi và trải nghiệm của học sinh trong lĩnh vực đã chọn
Nếu các em không sớm nhận ra ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với bản thân để học hỏi và cống hiến, bản thân các em sẽ thiệt thòi rất nhiều. Vậy, hướng nghiệp cho học sinh THPT mang lại 4 lợi ích chính như sau:
- Hướng nghiệp giúp các em học sinh có con đường và đích đến rõ ràng để phấn đấu, tránh mông lung mất định hướng
- Hướng nghiệp hạn chế tối đa trường hợp các em lựa chọn một ngành học cảm tính, theo đám đông, theo nhu cầu xã hội, theo lựa chọn gia đình bất chấp sự phù hợp bản thân dẫn
- Hướng nghiệp đảm bảo sự đầu tư về thời gian của học sinh, tài chính của gia đình cũng như sự giáo dục của xã hội đạt hiệu quả cao
- Tạo tiền đề đóng góp những nhân sự chất lượng, giúp ích cho sự phát triển của xã hội
Nhìn chung, hướng nghiệp bắt nguồn từ yếu tố cá nhân, xem xét những đối tượng tác động lên sự phù hợp của học sinh trong nghề nghiệp và nâng cao độ hiệu quả của các sự đầu tư đến từ bản thân học sinh, gia đình và xã hội.
Xem thêm: Kỹ năng sống là gì? Tổng hợp 21 kỹ năng sống cần thiết
7 bước hướng nghiệp cho học sinh THPT chọn đúng ngành nghề phù hợp
Sau khi hiểu rõ về hướng nghiệp cho học sinh THPT cũng như tầm quan trọng của nó đối với cá nhân, gia đình và xã hội, câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào để định hướng nghề nghiệp cho các em một cách tốt nhất?”
7 bước hướng nghiệp sau đây sẽ trang bị những kiến thức cần thiết nhất cho quá trình định hướng này.
Bước 1: Hiểu rõ bản thân mình là ai, bản thân muốn điều gì?
Đây là bước đầu tiên trong quá trình tìm hiểu bản thân, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh THPT. Ở giai đoạn này, sự giúp đỡ từ gia đình và nhà trường là điều tất yếu. Gia đình, nhà trường cần gợi ý những câu hỏi, bài trắc nghiệm hay hoạt động để các em tìm hiểu sâu về bản thân. Từ đó xác định thế mạnh của mình, mong muốn trở thành ai, mong muốn làm điều gì và đâu là nhóm công việc các em có khả năng đáp ứng nhất.
Cần đặc biệt chú ý khuyến khích các em lắng nghe bản thân, quan sát, suy ngẫm và tự do thể hiện những gì mình cảm nhận, mình suy nghĩ. Đồng thời, việc tránh chạy theo đám đông, theo nhu cầu thị trường, ảnh hưởng bởi mạng xã hội, phim ảnh và cân nhắc giữa sự thực tế và mơ mộng cũng là điều gia đình, nhà trường nên khéo léo lồng ghép.
Để các em có cơ hội tìm hiểu về bản thân, những buổi nói chuyện sâu sắc giữa các thành viên trong gia đình, những buổi ngoại khóa trải nghiệm, hay những giờ chào cờ, sinh hoạt là những cơ hội tuyệt vời để các cá nhân gắn kết, đào sâu và chia sẻ. Gia đình và nhà trường có thể tham khảo một số bài test tính cách có mức độ uy tín cao như MBTI, trắc nghiệm tính cách Holland Code Test, trắc nghiệm 8 loại trí thông minh,…
Bước 2: Xác định đồng thời năng lực và sở thích của bản thân
Năng lực và sở thích cần phải đi song hành với nhau. Một công việc tuyệt vời phải có sự kết hợp giữa năng lực và sở thích từ phía bản thân nhân sự. Năng lực giúp hiện thực hóa mong muốn, còn đam mê tạo động lực vượt qua những khó khăn.
Nếu có sở thích mà không có năng lực thì mong muốn thiếu đi khả năng thực tế. Giả dụ, nguyện vọng muốn trở thành công an nhưng năng lực không đáp ưng được đầu vào đại học. Vậy, học sinh cần lựa chọn cân nhắc. Nếu có năng lực mà không có sở thích thì không thế cống hiến hết mình, phí hoài khả năng. Giả dụ, học sinh có khả năng học tự nhiên, theo đuổi ngành nghề kỹ thuật nhưng lại luôn đam mê với viết lách và thích làm việc với con người thì nên cân nhắc lĩnh vực báo chí, truyền hình.
Để khám phá sở thích, đam mê của bản thân, học sinh có thể:
Nghĩ về những việc mình muốn làm khi rảnh dỗi, khoảnh khắc khiến mình hạnh phúc nhất,…Sau đó, kết nối cách những sở thích, đam mê đó được hiện thực trong công việc, ngành nghề nào đó. Cụ thể, nếu bạn đam mê vẽ, thích sự sáng tạo và màu sắc, thiết kế và hội họa là lĩnh vực nên dấn thân.
Nghĩ về những ước mơ hồi còn bé. Những ước mơ khi còn nhỏ thường hồn nhiên, ngây thơ, nhưng cũng chính bởi vậy nên nó đơn thuần xuất phát từ bản chất cá nhân, chưa bị ảnh hưởng bởi năng lực bản thân và môi trường xung quanh. Có những ước mơ xa vời do xa rời thực tế, nhưng cũng có những ước mơ tiết lộ một phần quý giá đam mê, tiềm năng của bản thân. Giả dụ, một bạn từ nhỏ thích diễn thuyết có thể có đam mê ngành nghề liên quan tới giao tiếp, giảng dạy, giúp đỡ người khác.
Để khám phá năng lực bản thân, học sinh có thể:
Nghĩ về những môn mình học tốt khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Những môn học này phần nào phản ánh thế mạnh não bộ của mỗi người, đồng thời là minh chứng cho thấy loại trí thông minh một người đang sở hữu. Giả sử, một học sinh thích học Toán sẽ có khả năng cao phản ứng nhanh với các con số, với tư duy logic, và phù hợp với những nghề nghiệp liên quan phân tích, tài chính, đầu tư.
Bên cạnh đó, để khám phá năng lực bản thân, nghĩ về những việc mình đã làm tốt cũng là một phương pháp hay. Những trải nghiệm này có thể gợi ý những năng lực tiềm tàng của bản thân chưa được khai phá. Đồng thời những ký ức tốt đẹp này sẽ xây dựng bên trong bạn sự tự tin bên trong bạn để đối mặt với khó khăn tương lai.
Nếu có quá ít trải nghiệm hoặc muốn kiểm chứng năng lực thật sự của bản thân, việc tạo cơ hội để trải nghiệm thêm những lĩnh vực mới, những kỹ năng gần nhất với ngành nghề quan tâm có thể là ý kiến tuyệt vời. Việc của học sinh là thử nghiệm nhiều hơn, quan sát nhiều hơn, đúc rút nhiều hơn, rồi năng lực của bản thân sẽ tự bộc lộ.
Trong trường hợp gặp khó khăn, học sinh có thể hỏi những người thân thiết xung quanh. Họ là những người gần gũi và nhìn nhận ta bằng cái nhìn khách quan. Vì vậy, ý kiến từ họ có thể là nguồn tham khảo uy tín và chất lượng, đặt những viên gạch đầu tiên cho bạn trong quá trình khám phá bản thân.
Bước 3: Xác định sự phù hợp của điều kiện bản thân với ngành nghề
Ở bước này, các bạn học sinh bắt đầu cân nhắc nhiều hơn đến các yếu tố xung quanh nghề nghiệp hay nói cách khác là có cái nhìn thực tế hơn. Những điều nên cân nhắc là điều kiện kinh tế gia đình, ngoại hình, chiều cao, sức khỏe, thời gian học tập và làm việc, yêu cầu nghề nghiệp,…
Nếu không xác định rõ những yếu tố này, việc từ bỏ ngành nghề giữa chừng là điều không tránh khỏi. Lúc ấy, hai bước đầu gần như vô nghĩa.
Bước 4: Tìm hiểu kỹ về ngành nghề sẽ chọn trên mọi phương diện, bằng mọi cách thức
Giống như đánh trận, “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, việc định hướng ngành nghề cho học sinh THPT cũng vậy. Bên cạnh hiểu rõ bản thân, cân nhắc sự phù hợp thì tìm hiểu kỹ ngành nghề định chọn là một bước tất yếu. Những tiêu chí nên tìm hiểu như: ngành nghề đó là gì, công việc cụ thể ra sao, môi trường làm việc thế nào, đặc thù công việc có gì nổi bật,…Trong tương lai, nhu cầu nhân lực với ngành nghề này ra sao, tỷ lệ cạnh tranh thế nào, có thể xin việc ở những đâu,…là những câu hỏi hướng tới tương lai ngành nghề.
Đó là tìm hiểu ngành nghề trên mọi phương diện. Vậy thế nào là tìm hiểu bằng mọi cách thức? Gia đình và nhà trường cần giúp học sinh tìm hiểu đa dạng các kênh thông tin: từ google, youtube, các loại mạng xã hội tới kinh nghiệm từ những người đi trước kết hợp cùng quan sát thực tế. Sau đó, gia đình, nhà trường và học sinh tự chắt lọc, tổng hợp những thông tin hợp lý nhất.
Để sự tìm hiểu bớt mông lung và kiểm chứng được phần nào, học sinh có thể lựa chọn 1 phần công việc thuộc ngành nghề định hướng để trải nghiệm hoặc làm những vị trí yêu cầu tính chất công việc có sự tương đồng nhất với công việc trong ngành nghề định hướng. Nếu học sinh cân nhắc trở thành một biên tập viên, việc trải nghiệm việc viết lách, chỉnh sửa kịch bản, bản thảo hay lên ý tưởng viết lách là những điều hoàn toàn có thể thử.
Bước 5: Phấn đấu học tập, rèn luyện để có hồ sơ cũng như khả năng học tập tốt
Sau khi đã lựa chọn được lĩnh vực, ngành nghề muốn theo đuổi, học sinh cần đầu tư thời gian ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng phù hợp với yêu cầu đầu vào ngành học tại Đại học mong muốn, hoặc phù hợp với chuẩn đầu vào chương trình định hướng theo đuổi. Dù lựa chọn thế nào, chuẩn bị cũng là một bước vô cùng quan trọng để đảm bảo đủ khả năng cũng như tâm thế cho ngành học trong tương lai không xa.
Nếu học sinh mong muốn học ngành Thiết kế, việc sắp xếp thời gian đi học môn Vẽ để bổ sung kiến thức và kỹ năng, chuẩn bị cho khối thi là tất yếu. Nếu học sinh mong muốn xuất khẩu lao động, việc luyện tiếng là điều bắt buộc phải làm. Nếu học sinh có mong muốn thi đỗ các ngành học yêu cầu đầu vào cao, việc xác định rõ cách thức muốn được tuyển sinh là quan trọng. Từ đó, các em biết nên phấn đấu học tốt các môn trong khối thi, đầu tư cho ielts hay ôn thi học sinh giỏi để có định hướng phù hợp.
Bước 6: Tự trải nghiệm
Tự trải nghiệm ở đây là cơ hội tuyệt vời để các em cọ xát môi trường thực tế, giúp các em có cái nhìn khách quan hơn về ngành nghề. Từ đó, các em rút được những kết luận, nhận định của bản thân, có sự quyết định xem liệu bản thân có thích hợp tiếp tục tìm hiểu và theo đuổi ngành nghề này.
Một số nguồn gợi ý để các em được trải nghiệm thực tế như sau:
- Các sự kiện Career Days
- Sự kiện chương trình thực tập/kiến tập của các trường Đại học
- Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp
- Tìm những vị trí trong clb, hoạt động ngoại khóa, công việc liên quan tới tính chất công việc ngành nghề muốn chọn
- Tìm hiểu những chương trình của tổ chức bên ngoài hướng nghiệp cho học sinh
Bước 7: Sẵn sàng cho phương án 2
Khi đã xác định đúng ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với bản thân, có tiềm năng với xã hội trong tương lai, học sinh cần chuẩn bị ít nhất thêm 1 phương án dự phòng. Vì các em đang là học sinh THPT nên bước đi phải quyết định trước mắt là ngành học và trường Đại học phù hợp với đam mê và năng lực.
Vậy, trong trường hợp học sinh không đủ khả năng đỗ vào ngành Marketing của trường Đại học Kinh tế Quốc dân do điểm chuẩn quá cao, các em có thể cân nhắc lựa chọn ngành học này tại Đại học Thương Mại, Đại học Bưu chính viễn thông,…Mỗi lựa chọn này đều cần cân nhắc kỹ lưỡng vì có sự khác biệt giữa chương trình của các trường đại học, môi trường và mức học phí.
Bên cạnh đó, trong quá trình tìm hiểu ngành học, gia đình và nhà trường nên khuyến khích các em tìm hiểu song song nhiều ngành nghề, lĩnh vực để có những phương án dự trù. Nếu không thể kết hơp ngành nghề thích nhất, năng lực bản thân tốt nhất và nhu cầu thị trường khá nhất, học sinh có thể được định hướng kết hợp những yếu tố trên một cách tương đối, cho ra một số kết quả phù hợp. Từ đó, các em có nhiều hơn những lựa chọn cho bản thân và luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.
Phương pháp hướng nghiệp cho học sinh THPT dựa vào tính cách
Thời kỳ THPT là giai đoạn các em đủ lớn để phát triển tương đối về tính cách. Qua đó, học sinh có thể cân nhắc sự phù hợp với những ngành nghề trong tương lai. Tính cách chính là tính chất, đặc điểm về nội tâm của mỗi người. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp tới cách chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động. Nhiều nét tính cách khác nhau có thể tập trung ở một người hoặc nhiều người khác nhau có thể sở hữu chung một loại tính cách.
Các yếu tố sau đây góp phần xây dựng nên tính cách.
- Thứ nhất, di truyền là yếu tố đầu tiên cấu thành tính cách, chiếm 20 – 60%. Tuy nhiên, sự di truyền do gen này không có kiểu rõ ràng và hàng nghìn biến thể gen kết hợp mới tạo nên các đặc điểm tích cách.
- Thứ hai, môi trường sống là yếu tố ảnh hưởng tới tính cách trong suốt cuộc đời. Đó là gia đình, bạn bè, công việc, nơi sinh sống và các vấn đề gặp phải. Vì vậy, tính cách sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời.
- Thứ ba, ngữ cảnh tức tình huống cụ thể. Khi con người tham gia vào các tình huống khác nhau sẽ có cách cư xử khác nhau. Vì vậy, ta không thể nhận định vội vàng tính cách của ai đó qua một vài tình huống.
Đối với học sinh THPT, để xác định loại tính cách, góp phần định hướng nghề nghiệp, các em có thể:
- Lựa chọn các bài trắc nghiệm tính cách như MBTI, DISC,…Đây là những bài trắc nghiệm được sử dụng rộng rãi và đi kèm với định hướng nghề nghiệp, rất phù hợp cho các em THPT
- Lắng nghe một cách khách quan. Trong quá trình học tập và sinh hoạt, các em sẽ đón nhận rất nhiều lời nhận xét từ người khác. Một cái nhìn cởi mở và tiếp nhận có chọn lọc những ý kiến khách quan sẽ giúp các em xác định tính cách bản thân
- Trải nghiệm những công việc, những việc làm mới
- Quan sát bản thân ứng xử trong các hoàn cảnh, quan sát cách bản thân cảm nhận và đưa ra lựa chọn
- Hỏi ý kiến những người gần gũi nhất
- Tìm nguồn tham khảo từ sách báo và các phương tiện truyền thông xã hội, kinh nghiệm từ những người đi trước
Để giúp các em THPT hiểu rõ tính cách, xác định ngành nghề, việc giúp các em hiểu tầm quan trọng của việc định hướng này là cần thiết. Từ đó, các em nghiêm túc và chủ động. Sau đó, việc tìm hiểu, quan sát, phân tích là bước tiếp theo. Bước cuối cùng là mở rộng tìm hiểu và đưa ra quyết định.
Nếu gia đình, nhà trường và chính bản thân học sinh THPT ý thức được tầm quan trọng trong hoạt động định hướng này thì tương lai của các em sẽ rõ ràng, rộng mở với nhiều cơ hội. Một xã hội với những nhân sự làm đúng ngành, hiểu đúng nghề, phát huy đúng tiềm năng, cống hiến hết mình sẽ phát triển nhanh chóng và vững mạnh.
Xem thêm: Đổi mới phương pháp dạy học là gì? Một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học