Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán luôn được các thầy cô và phụ huynh quan tâm. Vì tại Việt Nam, môn toán là môn học có vị trí quan trọng giúp học sinh nắm bắt được những nguyên lý định luật tự nhiên, đồng thời phát huy được tư duy, sáng tạo, tính tích cực của học sinh. Hãy cùng Trường học 247 tìm hiểu một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán hiệu quả nhé!
1. Thực trạng chất lượng dạy học môn toán hiện nay tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam
Từ lâu, môn toán đã là môn học quan trọng, là nền tảng khoa học cho nhiều ứng dụng trong đời sống và phát triển xã hội. Để có những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán thì trước hết chúng ta cần xem xét và hiểu rõ được tình hình, thực trạng chất lượng dạy học môn toán hiện nay tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Dưới đây là tóm tắt về thực trạng đó:
1.1. Về phía học sinh
Học sinh chưa hiểu rõ được bản chất của tầm quan trọng của việc học toán, chứ thực sự có hứng thú, yêu thích, chủ động trong học tập mà chỉ chăm chăm để tăng điểm số, thành tích.
Lượng các em học sinh bị hổng kiến thức khá nhiều, các kiến thức cơ bản bị bỏ qua, không có nền móng, gốc rễ vững chắc nên việc học các kiến thức mở rộng, nâng cao, áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn.
Quan niệm toán học luôn là môn “khó nhằn” khiến cho các em học sinh mất tự tin, e dè và sợ học, sợ phải bắt đầu tìm hiểu về môn học này.
Nhiều học sinh thiếu khả năng tư duy, chỉ làm được những bài tập tương tự với các bài đã được hướng dẫn bởi giáo viên trước đó mà không áp dụng được vào việc làm những bài tập khó hơn hay áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Ý thức tự giác của học sinh cũng là yếu tố cần được nhìn nhận chân thực. Nhiều học sinh trên lớp chưa thật sự tập trung, không học bài và làm bài trước tại nhà.
Xem thêm: Hệ thống nguyên tắc dạy học được áp dụng tại Việt Nam
1.2. Về phía giáo viên
Giáo viên đóng vai trò là người truyền đạt, giảng dạy kiến thức. Phần lớn giáo viên tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam hiện nay đang sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống là thuyết trình kiến thức, hướng dẫn và định hướng kiến thức một cách lý thuyết, khô khan khiến học sinh mất đi tính chủ động trong học tập.
Nhiều giáo viên đã suy nghĩ, tư duy đổi mới phương pháp dạy học môn toán. Tuy nhiên chưa đi vào việc thực hành dạy học có hiệu quả hoặc thay đổi chưa triệt để.
Bên cạnh những thầy cô đã có tư duy đổi mới phương pháp dạy học môn toán thì vẫn còn một số thầy cô thụ động trong dạy học, chưa có tư duy thay đổi, cải tiến, thậm chí là chưa chuẩn bị bài giảng chu đáo, chất lượng giảng dạy chưa thực sự có hiệu quả.
Bên cạnh việc giáo viên cần cải tiến phương pháp giảng dạy môn toán thì tốc độ dạy, kỹ năng giảng dạy của giáo viên cũng là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Một bộ phận giáo viên còn có tốc độ giảng chưa phù hợp, kỹ năng sư phạm chưa tốt, chưa nắm bắt được năng lực của từng nhóm đối tượng của học sinh để có biện pháp cải thiện học lực và năng lực học của học sinh.
1.3. Về phía phụ huynh
Về phía phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến năng lực học tập, hiệu quả học tập thực tế của con mà chỉ nhìn vào điểm số, thành tích bên ngoài.
Vì nhiều lý do công việc, cuộc sống mà nhiều phụ huynh phó thác thậm chí là bỏ mặc hoàn toàn việc học của con cho các thầy cô ở trên trường.
Ở một số khu vực vùng sâu vùng xa và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn chưa đủ điều kiện trang bị đầy đủ dụng cụ học tập, sách vở cho học sinh. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học môn toán và các môn học khác của học sinh.
Ngoài ra, còn nhiều gia đình, học sinh thiếu sự yêu thương, chia sẻ của phụ huynh gây ra tình trạng chán nản, sa sút trong học tập.
Xem thêm: Dạy học theo trạm là gì? Hướng dẫn các bước dạy học theo trạm
2. Ưu, nhược điểm của thực trạng giảng dạy môn toán hiện nay
2.1. Ưu điểm
Với phương pháp dạy học truyền thống thì hệ thống nội dung giảng dạy có tính logic cao, học sinh dễ dàng theo dõi và bám sát kiến thức trên lớp. Giáo viên có thể trình bày một nội dung lý thuyết khó, phức tạp trong thời gian tiết học truyền thống.
Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian chuẩn bị bài học.
Thuận tiện cho việc giảng dạy của giáo viên, giúp trình bày mô hình mẫu của tư duy logic với cách trình bày và lý giải vấn đề khoa học hơn.
Giúp học sinh có thể nắm bắt được đầy đủ các thông tin về đối tượng nghiên cứu dựa trên cơ sở huy động nhiều kiến thức khác nhau. Từ đó sẽ phát triển được tư duy một cách trừu tượng và hình thành khái niệm về đối tượng rõ ràng nhất.
2.2. Nhược điểm
Tiết học lý thuyết nhàm chán, không tạo được hứng thú với người học, học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động
Học sinh phát triển tư duy một cách độc lập và sáng tạo không được nhiều.
Học sinh khó có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn do ít được thực hành, ít tiếp xúc với những thí nghiệm trực quan và các phương pháp dạy học mới.
3. Nguyên nhân chất lượng giảng dạy môn toán chưa đạt được mức kỳ vọng
Để tìm ra những biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán hiệu quả nhất thì việc tìm ra nguyên nhân cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số nguyên nhân tiêu biểu:
Giáo viên chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp đối với từng đối tượng học sinh mà vẫn đi theo một lối mòn truyền thống, sử dụng cùng một phương pháp giảng đại trà cho tất cả các nhóm đối tượng học sinh. Chưa mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học
Học sinh chưa chủ động học, chưa có tinh thần tự giác học, chưa có động cơ học tập đúng đắn, thói quen ỷ lại, thụ động tiếp nhận kiến thức từ giáo viên. Học sinh bị hổng kiến thức cơ bản, khó bắt kịp với các bạn trong lớp.
Phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng đắn tới việc học của con và còn phó mặc trách nhiệm cho giáo viên.
4. Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán hiệu quả
4.1. Thay đổi phương pháp dạy học truyền thống đơn thuần sang kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học tích cực
Việc thay đổi phương pháp dạy học từ truyền thống đơn thuần sang kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học tích cực là biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán và nhiều môn học khác rất hiệu quả. Với sự kết hợp này, sẽ giúp khơi gợi sự hứng thú của học sinh khi học môn toán, giúp các tiết học sôi nổi, sinh động hơn. Từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy giáo viên, nâng cao hiệu quả học tập của học sinh.
Qua những hoạt động thực hành, tình huống thực tế, học sinh cũng có tư duy hệ thống, logic, tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, dễ dàng ứng dụng những kiến thức đã học vào đời sống thay vì thu động tiếp nhận kiến thức như phương pháp học cũ.
Ngoài ra, những hoạt động làm việc nhóm hay tự học cũng sẽ giúp các em học sinh nâng cao các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc đội nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự học,… Đây sẽ là môi trường để các em học sinh chủ động, tích cực, tự giác và có động lực cao trong học tập.
Một số hoạt động dạy học theo phương pháp dạy học tích cực mà các thầy cô có thể tham khảo như:
- Dạy học giải quyết vấn đề: Dạy học giải quyết vấn đề là hoạt động tổ chức dạy học, mà giáo viên đặt ra một tình huống có vấn đề cho học sinh tư duy để giải quyết vấn đề.
- Tổ chức dạy học khám phá: Dạy học khám phá là hoạt động dạy học mà học sinh được tự tìm hiểu, khám phá, phát hiện ra kiến thức mới thông qua các hoạt động, nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, định hướng.
- Tổ chức dạy học theo mô hình STEM: Đây là mô hình dạy học dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể, liên hệ với các kiến thức cuộc sống, kiến thức xã hội.
- Tổ chức dạy học hợp tác: Hay còn được gọi là tổ chức dạy học theo mô hình khăn trải bàn. Đây là hoạt động dạy học kết hợp giữa hoạt động cá nhân và hoạt động đội nhóm. Học sinh sử dụng giấy khổ lớn để ghi nhận ý kiến cá nhân và ý kiến thống nhất chung của nhóm vào các phần được bố trí như khăn trải bàn.
- Tổ chức dạy học có phân hóa: Dạy học có phân hoá giúp mỗi học sinh phát triển tối đa năng lực, sở trường, phù hợp với các yếu tố cá nhân. Với cách tổ chức này học sinh được tạo điều kiện để lựa chọn nội dung, độ khó, hình thức, nhịp độ học tập phù hợp với bản thân. Cơ sở của dạy học phân hóa là sự công nhận những khác biệt giữa các cá nhân học sinh như phong cách học tập, các loại hình trí thông minh, nhu cầu và điều kiện học tập… Dạy học phân hóa sẽ giúp học sinh phát triển tối đa năng lực của từng học sinh, đặc biệt là năng lực đặc thù.
4.2. Biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán đại trà cho tất cả các nhóm đối tượng học sinh
Đầu tiên, các thầy cô phần phân loại được các nhóm học sinh theo năng lực học tập. Đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng học sinh có học lực yếu kém. Tìm ra nguyên nhân tại sao những học sinh đó lại có học lực như vậy. Từ đó có thái độ và biện pháp cải thiện năng lực học tập, chất lượng học tập của các em một cách phù hợp. Thường xuyên động viên, khích lệ để các em học sinh có tinh thần học tập tích cực.
Vì kiến thức toán học là môn suy luận logic nếu không nắm vững hệ thống lý thuyết thì rất khó để duy trì được hứng thú và hiệu quả trong việc học. Để làm được việc này thì giáo viên cần giúp đỡ học sinh cách học dễ ghi nhớ, dễ thuộc, lâu quên.
Mô hình đôi bạn cùng tiến, nhóm học tập có thể được áp dụng linh hoạt động thúc đẩy việc học tập và cải thiện tình hình học tập của các em học sinh có học lực yếu.
Giáo viên cần tận dụng triệt để các tiết phụ đạo hoặc bám sát để củng cố, hệ thống, ôn tập lại các kiến thức đã học. Cung cấp cho các em phương pháp chứng minh. Đặc biệt, việc này rất cần thiết đối với học sinh yếu, kém. Và đây cũng là dịp để giáo viên tháo gỡ những băn khoăn, thắc mắc của học sinh, muốn vậy đòi hỏi giáo viên phải phân giải, thân thiện để các em mạnh dạn tỏ bày những trăn trở trong việc học toán.
Nắm thật sát năng lực học tập của từng học sinh, của từng lớp để từ đó phân loại và đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm và đề xuất các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng học tập của lớp mình phụ trách.
Giáo viên cần tích cực trong sinh hoạt nhóm bộ môn, thảo luận những vấn đề khó để tìm giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán. Cần tích cực, mạnh dạn đổi mới các phương pháp dạy học.
Trên đây là một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn toán hiệu quả mà các thầy cô không nên bỏ qua. Trường học 247 những kinh nghiệm và kiến thức này sẽ hữu ích và giúp các thầy cô cải thiện chất lượng giảng dạy.