Phương pháp học tập luôn là chủ đề được quan tâm bởi chúng ta luôn có khao khát vươn tới những đỉnh cao tri thức mới thông qua những biện pháp tiếp thu kiến thức hiệu quả. Trong các phương pháp học phổ biến hiện nay, Feynman được coi là phương pháp học nhanh và ghi nhớ lâu. Được phát minh bởi nhà khoa học nổi tiếng Richard Feynman, đến nay kỹ thuật Feynman được áp dụng ngày càng phổ biến ở nhiều nền giáo dục trên thế giới.
Cùng Trường học 247 tìm hiểu rõ hơn về phương pháp học Feynman và các kỹ thuật để áp dụng hiệu quả nhất phương pháp học này nhé!
Richard Feynman là ai?
Richard Feynman là nhà vật lý học nổi tiếng, ông đã từng đoạt được giải Nobel trong sự nghiệp của mình nhờ những đóng góp to lớn cho nhân loại vào các lĩnh vực cơ học lượng tử và vật lý hạt. Bên cạnh đó, ông cũng là người tiên phong cho lĩnh vực điện toán lượng tử và giới thiệu khái niệm về công nghệ Nano. Ngoài ra, ông cũng là một giảng viên ưu tú của Đại học Cornell và Caltech.
Mặc dù có nhiều thành tích to lớn, nhưng Richard Feynman chỉ coi mình là một người bình thường và có nỗ lực học hành chăm chỉ. Ông tin rằng, bất kỳ ai nếu có đủ nỗ lực, rèn luyện mỗi ngày thì sẽ sớm muộn chinh phục được những mục tiêu giáo dục của riêng mình.
Để đạt được những thành quả trên, Richard Feynman tin rằng đó là nhờ vào cách thức tổ chức kiến thức có hệ thống từ đó xác định những điều mình không biết và không ngừng tìm kiếm câu trả lời để lý giải cho điều đó. Trong suốt cuộc đời của mình, Feynman đã không ngừng tìm hiểu về thế giới vật lý và đúc rút ra những kết luận, kiến thức mới. Trong số đó, ông đã phát hiện ra kỹ thuật mới hữu ích và ngày nay được gọi là “phương pháp học Feynman”.
Phương pháp học Feynman là gì?
Bản chất của phương pháp học Feynman nghiên cứu kỹ lưỡng một vẫn đề khó hiểu và giải thích lại bằng chính cách hiểu của bạn thân với chính vốn từ mà mình có. Sức mạnh mang đến sự hiệu quả cho phương pháp Feynman là những lời giải thích dễ hiểu và đơn giản. Theo Albert Einstein: “Nếu bạn chưa thể giải thích một cách đơn giản vấn đề đó thì tức là bạn chưa đủ để hiểu rõ nó”.
Phương pháp này được áp dụng khá phổ biến trong trường học. Thông qua việc giảng dạy, giáo viên đã đưa vào tâm tí học sinh những thông tin mới và việc của người học là ghi nhớ những nội dung, kiến thức này. Sau đó, học sinh cần phải giải thích được những nội dung trên bằng chính cách hiểu của mình. Nếu chưa thể tốt từ lần đầu tiên, người học cần thự hành cho đến khi chắc chắn rằng đã có thể giải thích được một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Phương pháp này được Bill Gates coi là người thầy vĩ đại nhất mà ông từng có. Theo đó, phương pháp này có thể giúp người học ghi nhớ, hiểu được những chủ đề khó và bổ sung vào khối tri thức của mình những nội dung thú vị, có ích.
Xem thêm: Phương pháp STEAM là gì? Những lợi ích của phương pháp STEAM đem lại cho trẻ
Lợi ích của phương pháp học Feynman
Xác định lỗ hổng kiến thức
Điều đầu tiên mà phương pháp học này mang lại cho bạn chính là xác định được lỗ hổng kiến thức và bù đắp chúng. Không ít người sẽ gặp phải tình trạng bị “đứng hình” khi được yêu cầu giải thích, lý giải cho một vấn đề gì đó. Đó là do lỗ hổng kiến thức khiến họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Do đó, áp dụng Feynman, người học sẽ nhanh chóng xác định được các khoảng trống còn thiếu và tìm được cách để làm đầy hiệu quả.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp
Đê có thể truyền đạt rõ ràng các nội dung bạn muốn trình bày, giải thích, nhất định bạn cần phải biết cách truyền đạt dễ hiểu. Bằng việc thường xuyên thực hành kỹ thuật Feynman, bạn sẽ có thể hiểu được vấn đề trong cách truyền đạt của mình nằm ở đâu và dần cố gắng cải thiện chúng. Do đó, sau một thời gian áp dụng Feynman bạn sẽ cảm thấy kỹ năng giao tiếp nói chung của mình đang được tốt lên.
Rèn luyện tư duy
Một trong những lợi ích khác của kỹ thuật Feynman là rèn luyện cho bạn có một tư duy logic. Tư duy sẽ liên túc hoạt động trong khi bạn xác định lỗ hổng kiến thức, tìm cách bồi dưỡng và xây dựng các cơ sở luận điểm để giải thích cho vấn đề. Trong quá trình này, não bộ của bạn cần hoạt động tập trung và phải đưa ra các cơ sở dữ liệu khác nhau, đây cũng được coi là một bài tập hữu ích cho sự tư duy của bạn. Theo thời gian, chúng sẽ giúp bạn có một trí thông minh tốt hơn cùng một tư duy phát triển.
Tại sao kỹ thuật Feynman lại hiệu quả?
Có rất nhiều lý do giải thích rằng tại sao phương pháp Feynman vẫn là một trong những kỹ thuật học tập hiệu quả và có thể tồn tại trong rất nhiều thập kỷ tiếp theo. Cụ thể:
- Kỹ thuật Feynman bắt buộc con người phải liên tục xem xét và phân tích vấn đề. Nó đòi hỏi một tư duy nghiêm túc và từ đó giúp đảm bảo sự hiểu biết ở cấp độ tốt hơn so với việc chỉ ghi nhớ thông tin hay học vẹt thông thường.
- Cung cấp phương pháp học để học sinh có thể tiếp cận với kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Không những vậy, kỹ thuật này còn giúp các em học sinh có thể ghi nhớ tốt hơn bằng việc liên kết, kết nối các cơ sở dữ liệu thu thập được.
- Để theo đuổi được kỹ thuật Feynman, người học bắt buộc phải tham gia một cách tích cực. Thay vì học thụ động, học sinh cần phải chủ động tiếp cận với kiến thức và nghiêm túc bằng việc tự tìm kiếm thông tin tham khảo và liên tục đưa ra những câu hỏi, đồng thời giải thích cho những thắc mắc của mình.
Cách sử dụng phương pháp Feynman hiệu quả cho mọi môn học
Để chinh phục tốt các môn học bằng phương pháp học Feynman, dưới đây là những hướng dẫn cụ thể giúp bạn áp dụng thành thạo phương pháp học tuyệt vời này.
1. Xác định chủ đề cần tiếp cận
Điều đầu tiên, bạn cần xác định được chủ đề bạn muốn áp dụng kỹ thuật Feynman là gì. Dù Feynman có thể áp dụng hiệu quả với bất kỳ chủ đề nào, nhưng, sẽ hiệu quả hợn nếu bạn lựa chọn các nội dung học thuật liên quan đến nghiên cứu khoa học. Bởi đơn giản, Feynman sẽ giúp cho những giả thuyết khoa hoc trở nên đơn giản hoá và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Ngoài ra, với bất kỳ vấn đề nào bạn cảm thấy khó hiểu và cần được giải thích lại thì hoàn toàn có thể lựa chọn kỹ thuật Feynman. Trong mỗi buổi học, bạn sẽ phải tiếp thu rất nhiều thông tin, nếu bạn không thể áp dụng Feynman cho tất cả thì trước hết hãy chọn lọc ra những vấn đề khó hiểu nhất hoặc những khái niệm cần được lý giải ưu tiên. Việc này sẽ giúp bạn nắm vững các kiến thức quan trọng trước và làm nền tảng để hiểu sâu những vấn đề tiếp theo.
Lúc này, chắc hẳn bạn đã xác định được nội dung cần tiếp cận. Vậy, hãy dành thời gian để nghiên cứu về vấn đề này nhé! Hãy tận dụng tất cả khả năng tập trung của mình để nghiên cứu vấn đề. Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng các tài liệu, giáo trình, tư liệu có liên quan để hiểu rõ vấn đề nhất có thể. Điều quan trọng là bạn không được đọc lướt qua mà phải thực sự hiểu từng dòng thông tin trong đó. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề và ghi nhớ nhanh chóng.
Sau khi đã xác định được các vấn đề cần làm rõ. Tiếp theo, chúng ta hãy chuyển ngay sang bước tiếp theo để hiểu kỹ hơn về Feynman nhé!
2. Giải thích lại nội dung thu thập được
Bước này chính là phần trọng tâm của phương pháp học Feynman nổi tiếng. Yêu cầu ở bước này là bạn cần phải giải thích vấn đề sao cho một học sinh lớp 6 cũng có thể hiểu được. Và để làm được điều đó, nội dung bạn giải thích cần phải được đơn giản hoá và dễ hiểu nhất có thể. Tức là ngôn từ bạn sử dụng để trình bày lời giải thích bắt buộc phải là ngôn ngữ dễ hiểu nhất có thể.
Bạn hãy chia nhỏ vấn đề thành những nội dung cơ bản nhất, hãy dùng một tờ giấy để ghi chúng lại. Tiếp theo hãy viết về những chủ đề đó bằng những gì mình hiểu. Bạn không cần đặt nặng vấn đề rằng các nội dung đã đầy đủ và đúng trình tự hay chưa. Điều quan trọng nhất là bạn phải dùng những giải thích ngắn ngọn nhưng trọng tâm và bằng thuật ngữ cơ bản nhất, nếu có thêm ví dụ minh hoạ thì lời giải thích của bạn sẽ đạt hiệu quả đến tối đa.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng phương pháp này để giải thích với những người xung quanh giống như một phép thử và nhờ học đưa ra những bình luận, đánh giá về bài trình bày của bạn. Những góp ý chân thật từ mọi người xung quanh sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra điểm mạnh điểm yếu của mình, từ đó có thể đưa ra phương pháp để cải tiến và phát triển kỹ năng hơn nữa. Thêm vào đó, việc trình bày trước mọi người còn giúp bạn rèn luyện sự tự tin, kỹ năng thuyết trình và cách sử dụng ngôn từ.
Tuy nhiên, có nhiều người cảm thấy họ có thể tập trung và làm việc hiệu quả khi ở một mình. Nếu bạn cũng thuộc tuýp người này thì có thể thực hành Feynman một cách độc lập.
3. Xác định lỗ hổng kiến thức
Bước này là lúc bạn cần xác định lỗ hổng kiến thức của mình để rà soát lại nội dung và tổng kết lại kiến thức. Bạn khó có thể chắc chắn rằng những vấn đề bạn vừa làm rõ đã đầy đủ và thấu đáo. Do đó, hãy dành thời gian để nghiên cứu lại các nội dung, đặc biệt chú ý đến những phần bạn chưa hiểu rõ. Bước này có tác dụng vừa giúp bạn tổng hợp lại kiến thức để ghi nhớ lâu hơn vừa giúp bạn cải thiện lại những nội dung còn chưa vững.
4. Tối ưu hoá giải thích
Bước 2 và bước 3 chính là cơ sở để hình thành bước 4. Điều này có nghĩa nếu bước 2 và bước 3 bạn đã làm tốt thì bước 4 sẽ có tỷ lệ thành công cao. Khi bạn đã nhận được những đánh giá từ người xung quanh, đồng thời xác định được các lỗ hổng kiến thức của mình thì bạn hãy tìm cách để cái thiện lại những lời giải thích đó.
Dưới đây là một vài mẹo để bạn cải thiện cách giải thích của mình:
- Đảm bảo các giải thích của bạn đều được dựa trên những tài liệu chính thống và được lấy từ nguồn tài liệu uy tín.
- Liệt kê những vấn đề bạn cho rằng khó hiểu để có thể liên tục tìm cách và cải thiện giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
- Bất cứ khi nào bạn cảm thấy khó khăn trong việc giải thích hãy sử dụng tài liệu để tìm đọc lại và cố gắng hiểu thêm một lần nữa.
5. Liên tục lặp lại các bước trong kỹ thuật Feynman
Chắc chắn rằng, để có thể thành thạo một kỹ năng không còn cách nào khác là thực hành lặp đi lặp lại. Mỗi lần nhắc lại là mỗi lần bạn rà soát kiến thức để có thể phát hiện kịp thời những “lỗ hổng” mới. Từ đó có thể nhanh chóng bổ sung. Đồng thời, công việc lặp lại này tạo điều kiện tốt để bạn có thể ghi nhớ kiến thức nhanh và nhớ lâu hơn.
Việc thực hiện các bước trên nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy hoàn toàn hài lòng hay được những người xung quanh đánh giá cao thì bạn đã có thể đạt được một kết quả xứng đáng. Giờ thì, bạn có thể chuyển sang một chủ đề khác rồi đó.
Mẹo sử dụng phương pháp học Feynman hiệu quả hơn
Đầu tiên, bạn cần phải tìm được chủ đề cụ thể và sau đó không ngừng đặt những câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Việc thường xuyên đặt câu hỏi có thể giúp bạn rèn luyện tư duy phản biện tốt hơn đồng thời giúp bạn đào sâu vấn đề. Tiếp theo là tìm cách giải thích chúng bằng phương pháp Feynman. Qua đó, bạn sẽ có cơ hội thực sự hiểu về một vấn đề và có kiến thức sâu rộng hơn.
Sử dụng hình ảnh và ví dụ minh hoạ càng nhiều càng tốt. Trong khi giải thích, bạn hãy cố gắng đưa những hình ảnh, ví dụ có liên quan vào để lời giải thích được đơn giản hoá và dễ hiểu hơn. Việc này vừa giúp người nghe cảm thấy hiểu vấn đề vừa giúp bạn nhớ lâu hơn. Thêm vào đó, key word chính của Feynman còn ở “sự ngắn gọn, dễ hiểu”. Vì vậy, bạn hãy cố gắng dùng những ngôn từ cơ bản nhất, ngắn gọn nhất để có thể diễn đạt vấn đề một cách dễ hiểu nhất.
Mẹo cuối cùng là bạn cấn phải có thái độ nghiêm túc trong cả quá trình thực hành Feynman. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ những yếu tố có thể dễ gây sự xao nhãng như điện thoại, máy chơi game, sách truyện. Việc tập trung vào giải quyết vấn đề vừa giúp bạn tìm được phương pháp tốt nhất có thể vừa giúp bạn có thể hiểu kiến thức và đưa chúng vào bộ nhớ dài hạn dễ dàng hơn.
Một số kỹ thuật áp dụng cùng phương pháp học Feynman
Việc áp dụng cùng lúc nhiều phương pháp học sẽ giúp bạn có kết quả học tập tốt hơn thay vì chỉ sử dụng duy nhất một phương pháp xuyên suốt. Do đó, để tăng hiệu quả, bạn hãy tham khảo và áp dụng một vài sự kết hợp được đề xuất dưới đây:
- Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition): là kỹ thuật học tăng thời gian học để lặp đi lặp lại những kiến thức đã học theo một chu kỳ nhất định. Như đã đề cập ở trên, để thành thạo phương pháp Feynman, bạn cần lặp đi lặp lại các bước được đề cập. Theo đó, việc kết hợp giữa Feynman và Spaced Repetition là một phương pháp học hoàn hảo.
- Phương pháp chủ động gợi nhớ (Active Recall): Yêu cầu của phương pháp học này là người học cần chủ động gợi nhớ lại những kiến thức đã được học nhằm tiếp nhận thông tin và củng cố cho phần trí nhớ dài hạn. Có một sự thật rằng khi đưa thông tin vào trí nhớ dài hạn, bạn sẽ rất khó để có thể quên đi. Sự kết hợp giữa Feynamn và Active Recall giúp người học ghi nhớ kiến thức tốt đặc biệt là giúp cho kết quả của mỗi kỳ thi được cải thiện rõ rệt.
- Phương pháp học quả cà chua (Pomodoro): Mục đích của phương pháp này là giúp bạn có thể quả lý thời gian học tốt hơn đồng thời tránh làm cho tâm trí bị xao nhãng, hạn chế gây mất tập trung trong bài học. Vì vậy, việc áp dụng cả Pomodoro và Feynman sẽ giúp người học nâng cao hiệu quả thực hành và nâng cao giá trị của bài giải thích.
Trên đây là những giải thích chi tiết về phương pháp học Feynman và hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể nhất. Một phương pháp học tốt sẽ giúp bạn dễ dàng chinh phục kiến thức, đồng thời có thể đạt được mức điểm số như mong muốn. Hy vọng những chia sẻ trên của Trường học 247 đã có thể giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình về kỹ thuật Feynman và tìm được phương pháp học phù hợp nhất.
Xem thêm: Kỹ năng thuyết phục là gì? Giải đáp câu hỏi liên quan đến kỹ năng thuyết phục