Khái niệm EdTech

Edtech hay Education Technology được hiểu là ứng dụng công nghệ vào giáo dục – đào tạo. Trong bối cảnh mức độ sử dụng internet và công nghệ tăng đột biến trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt với trở ngại về dịch bệnh toàn cầu hiện nay, việc sử dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống nói chung, giáo dục nói riêng trở thành những “mảnh đất vàng” để đầu tư. Vì vậy, Edtech chính là giải pháp tiềm năng cho giáo viên và học viên vì bất kể ở đâu, lúc nào, chỉ cần có mạng internet, học viên có thể truy cập vào học liệu; giáo viên có thể truyền tải video bài học. Phương pháp này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tối ưu cho nhu cầu cụ thể, chính xác cho cả hai phía.

Thị trường khởi nghiệp EdTech tại Việt Nam

Theo Ken Research, trong năm 2019, thị trường Edtech tại Việt Nam trị giá 2 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) được dự đoán lên tới 23.4% trong giai đoạn 2019 – 2023. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường đầu tư và khởi nghiệp Edtech tiềm năng khi lọt top 10 quốc gia có mức tăng trưởng E-learning lớn nhất trong năm 2019 (44.3%).
Theo báo cáo của Topica Founder Việt Nam 2016, Edtech startup là lĩnh vực có tổng tiền đầu tư khởi nghiệp đứng vị trí thứ 3 chỉ sau E-commerce và Fintech. Cho đến năm 2019, Việt Nam đã kêu gọi được nguồn vốn 55 triệu USD cho Edtech startup, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn ở giai đoạn sơ khai mặc dù có nhiều triển vọng phát triển. Với lợi thế dân số trẻ, trình độ kỹ thuật cao so với các nước Đông Nam Á còn lại, lượng người sử dụng smartphone lớn, tốc độ phát triển internet nhanh và mạnh, nguồn nhân lực đông và cạnh tranh… Việt Nam là vùng đất tiềm năng cho Edtech.

Một số mô hình EdTech

Learning Management System: Hệ thống quản lý giáo dục: Tương tự như “số liên lạc” giúp kết nối giáo viên với phụ huynh và học sinh, hệ thống giúp chia sẻ quá trình học tập và nội dung các bài giảng như Kids Online, VNPT School, Dayhoc.net
School Administration: Phần mềm quản lý nhà trường: giúp quản lý và hoàn thiện các công việc hành chính, chính sách trong quản lý trường, có thể kể đến VNPT School và SMAS..
Broad Online Learning Platforms: Nền tảng cung cấp khóa học online phổ thông. Coursera, KhanAcademy, Udemy, Udacity,… là những cái tên nổi bật trên thế giới, còn tại Việt Nam, Edumall hay Kyna.vn… là những cái tên tiên phong.
Next-Gen Study Tools: Công cụ hỗ trợ học tập. Trên thế giới đang có Kahoot!, Curriculet, Lumosity, ở Việt Nam thì mới có LIKA và Bigschool.
Enterprise Learning: Nền tảng đào tạo doanh nghiệp. Hiện tại chỉ có MANA là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, giúp thiết kế, tổ chức, phân phối chương trình đào tạo cho nội bộ doanh nghiệp.
Early Childhood Education: Mô hình giáo dục trẻ em. Monkey Junior chính là cái tên “hot” trong mảng này.
Tech Learning: Công cụ dạy công nghệ trực tuyến. Các startup tiêu biểu trên thế giới là Codecademy, Pluralsight,…, tại Việt Nam là MClass, Coderschool..
Language Learning: Những phần mềm giúp đơn giản hóa quá trình chinh phục ngoại ngữ. ELSA Speak, 123 Tiếng Anh, Topica Native… là những công ty thuộc phân khúc này.
Test Preparation: Các mô hình thi thử, luyện thi dành cho các sĩ tử lớp 12 luyện tập trước kỳ thi đại học. Ở Việt Nam có khá nhiều công ty theo hình thức này: Violympic, Học mãi, Luyện thi 247…

Xu hướng và cơ hội cho khởi nghiệp lĩnh vực EdTech tại Việt Nam

Dịch bệnh COVID-19 là thách thức, rào cản cho hầu hết tất cả các lĩnh vực và giáo dục cũng là một trong số ấy. Tuy nhiên, để hạn chế lây lan dịch bệnh, khi cánh cửa giáo dục offline đóng lại cũng là lúc công nghệ giáo dục online mở ra và làm thay đổi hoàn toàn trên-diện-rộng phương thức dạy và học. Các công cụ dạy học, họp hành, phần mềm quản lý học tập bắt đầu được áp dụng đa dạng và mạnh mẽ hơn so với trước khi dịch bệnh bùng phát.